Chủ tịch Quốc hội: Đề nghị nhận diện đầy đủ hơn về các hành vi bạo lực gia đình

(PLO)-   Chủ tịch Quốc hội đề nghị nhận diện đầy đủ hơn về các hành vi bạo lực gia đình, bảo đảm tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế như bạo lực tình dục mà không giao hợp, hãm hiếp trong hôn nhân, loạn luân, kết hôn sớm và lựa chọn giới tính thai nhi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Góp ý cho dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá vấn đề bạo lực gia đình, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em “đang rất phức tạp”, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Với nhận định “khối ông chồng cũng bị bạo lực”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không loại trừ việc này, nhưng nhức nhối vẫn là về phụ nữ và trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Người đứng đầu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ hơn về các hành vi bạo lực gia đình, trên cơ sở bảo đảm tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế, như bạo lực tình dục mà không giao hợp, hãm hiếp trong hôn nhân, loạn luân, kết hôn sớm và lựa chọn giới tính thai nhi.

“Nhiều chuyên gia nói rằng việc bắt buộc phải lựa chọn giới tính thai nhi cũng là một hành vi bạo lực gia đình có liên quan đến giới. Nhiều trường hợp phụ nữ có thai không đúng theo ý muốn, mấy ông chồng hành hạ cho khủng khiếp lắm chứ không phải đơn giản. Tôi thấy thực tế việc này rất nhiều, báo chí viết việc này nhiều lắm”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoài ra, người đứng đầu Quốc hội nhận xét “chưa quy định được hết các đối tượng bạo lực gia đình đã và đang xảy ra trên thực tế”. Ông dẫn chứng hành vi bạo lực giữa những người sống chung với nhau, đã từng có quan hệ nuôi dưỡng như từng là con nuôi, cha mẹ nuôi, nay không còn quan hệ nuôi dưỡng nữa nhưng vì lý do nào đó vẫn sống chung với nhau ở một địa điểm như trong một gia đình. Hoặc con cái khước từ cha mẹ, cha mẹ khước từ con nhưng vẫn sống chung với nhau.

“Điều này có nằm trong phạm vi bạo lực gia đình hay không?”- Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Nêu việc “mẹ kế bạo hành con riêng của chồng, bố dượng hoặc người tình (chưa phải gia đình) xâm hại và bạo hành với con riêng của vợ” xảy ra rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng VH-TT&DL (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này) cùng các bộ thuộc khối tư pháp rà soát kỹ.

“Trong luật này bây giờ nhận diện như thế nào, biện pháp nào để tập trung vào việc này. Việc này khó lắm, tôi cũng chưa nghĩ ra. Mong muốn của tôi là như thế, các đồng chí nghiên cứu thêm”- ông Huệ nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. “Những vụ như cháu bé 3 tuổi bị bắn đinh vào trong đầu, bây giờ phát hiện, ngăn chặn, xử lý không kịp thời thì trách nhiệm của ai, quy trách nhiệm cho ai?”- Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng nếu dự thảo không làm rõ được trách nhiệm của cơ quan chủ trì và phối hợp thì rất khó quy trách nhiệm khi có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng xảy ra.

Nêu thực tế không ít vụ việc khi báo chí và công luận lên tiếng nhiều, cơ quan chức năng mới vào cuộc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là minh chứng của việc nhiều bên phối hợp nhưng cuối cùng ai cũng nghĩ việc chính là của người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm