Chủ tịch Quốc hội hỏi hàng loạt câu về trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại

Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã trình bày báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Đây là lần đầu tiên một báo cáo về vấn đề này được trình bày và thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Sinh ra cơ quan dân nguyện để làm gì?”

Buổi sáng 18-8, sau khi Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Bình trình bày báo cáo xong thì Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh từ thực tế của mình đã nêu ra một số vấn đề trong giải quyết khiếu nại tố cáo lúc ông làm Bí thư tỉnh ủy Nghệ An. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý một số vấn đề và việc thảo luận được lùi sang buổi chiều.

Đầu giờ chiều, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật nêu ý kiến của mình. Cả hai ông đều có nhiều băn khoăn về tên gọi, nội hàm của báo cáo. Hai ông cũng nêu ra những ý kiến nhận định khi “đụng chạm” thực tế với vấn đề dân nguyện.

Sau khi hai vị kết thúc phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Tôi không câu nệ lắm vào việc chức năng, nhiệm vụ của các ban, ủy ban của Quốc hội. Nhưng tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân là phức tạp. Mấy trăm vụ việc, đơn thư gửi về QH mà cứ chuyển đi thì có tác động gì không”, Chủ tịch Quốc hội mở đầu.

Ông thừa nhận mình không biết trước đây các ủy ban của Quốc hội giải quyết KNTC của công dân như thế nào, nhưng từ khi ông nhậm chức (tháng 4-2021) thì… chỉ thấy thẩm tra các báo cáo của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề về trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ, các đoàn và đại biểu Quốc hội đối với vấn đề KNTC kéo dài của công dân. Ảnh: QH

Lật Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện, ông cho rằng: chức năng của Ban Dân nguyện được quy định rất rõ, trong đó có chức năng tập hợp và định kỳ báo cáo Quốc hội về dân nguyện.

“Riêng cái này tôi thấy báo cáo chung chung là nhận được bao nhiêu đơn, chuyển bao nhiêu đơn. Hơn 500 vụ việc như vậy, các tỉnh tụ tập đông người ở đây, vậy trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là gì? Tôi thấy vẫn còn cái kiểu “chức năng của tôi thế này thế kia”", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cho rằng: Ban Dân nguyện là một ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn có chức năng là tham mưu về công tác dân nguyện. “Thế đã làm chưa? Báo cáo này vẫn bám vào 9 nhóm nhiệm vụ được giao. Giờ hàng tháng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải nghe báo cáo về cái này. Nếu không thì sinh ra cơ quan dân nguyện làm gì?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đứng trong hay ngoài?

Về thẩm quyền giải quyết KNTC của công dân, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề ai sẽ thực hiện. Quốc hội có giám sát Chính phủ việc này không? Trong chức năng giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát việc tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội nói không chỉ là việc chuyển đơn mà còn theo dõi, đôn đốc và trả lời công dân về những vụ việc phức tạp.

“Vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hay ngoài cuộc? Lúc Hà Nội xử lý nhà 8B Lê Trực, bãi rác Sóc Sơn… chẳng thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở đâu cả. Đó có phải phức tạp nổi cộm không? Chúng ta hay nói lý thuyết nhiều. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban… của Quốc hội từ đầu khóa XV đến nay chưa thấy giải quyết đơn thư...”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo ông, báo cáo về KNTC cần phải làm và mỗi tháng đặt ra một số việc phải “làm đến nơi đến chốn” để tạo chuyển biến. Việc này cũng là để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ, các đoàn và đại biểu Quốc hội thực hiện chức năng của mình như thế nào.

Giám sát KNTC, theo Chủ tịch Quốc hội, không phải là chờ “xuân thu nhị kỳ Chính phủ gửi báo cáo sang rồi xem xét”, mà còn phải đốc thúc Chính phủ, các cơ quan khác. Ông nói Ban Dân nguyện phải thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan báo về việc này vì đó là chức năng, nhiệm vụ của ban, không cần phải có quy chế gì nữa.

“Tôi thấy 4-5 tháng nay có làm gì đâu, mà xã hội thì diễn biến phức tạp như vậy. Dịch thì im im vậy thôi chứ phức tạp lắm, đất đai, tài nguyên… chỗ nào cũng có cả”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trong báo cáo có đề cập đến hàng trăm vụ việc KNTC kéo dài từ các cơ quan như Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải phân loại và theo dõi, giám sát.

“Công dân người ta bảo mình vô cảm. Ta cũng làm chưa tốt, làm hết trách nhiệm chứ, vô cảm với dân thì mất hết uy tín. Việc nhỏ không làm thì việc nhỏ thành việc lớn, cái sảy nảy cái ung”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông đồng ý với các kiến nghị của Ban Dân nguyện, đồng thời, ông yêu cầu không chỉ giám sát giải quyết KNTC mà còn giám sát việc thực hiện các kiến nghị giám sát.

71% khiếu nại là về đất đai

Nếu KNTC được giải quyết hết thẩm quyền thì KNTC không còn như bây giờ. Thanh tra Chính phủ rất mong muốn việc này (báo cáo định kỳ về KNTC-PV) nên được duy trì thường xuyên. Ban Dân nguyện báo cáo với Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát hơn nữa, đặc biệt với các vụ việc phức tạp, kéo dài. Nếu làm được như vậy thì sẽ chuyển biến rất tốt.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang dự thảo báo cáo về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC thì số liệu cho thấy 71% vẫn là khiếu nại về đất đai. Trên cả nước có 32 đoàn khiếu kiện đông người. Có những việc giải quyết nhiều lần rồi và chúng tôi cho rằng cần có giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

TTCP mong phía Ban Dân nguyện phối hợp tốt hơn nữa, xem xét ký kết một Quy chế phối hợp. Trong năm 2020 và 2021, KNTC giảm vì dịch COVID-19. Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương khi COVID-19 được khống chế, người dân sẽ tiếp tục khiếu nại thì tiếp tục có kế hoạch giải quyết.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.