Chủ tịch tập đoàn 1.000 tỉ USD coi 'Việt Nam là ngôi nhà của mình'

(PLO)- “Không một quốc gia nào tụt lại phía sau về trí tuệ nhân tạo mà có thể phát triển được” - ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới NVIDIA của Mỹ, nhấn mạnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-12, ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA, tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỉ USD, đã thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và chủ tịch Tập đoàn NVIDIA cùng tham dự tọa đàm với chủ đề “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam (VN)”.

P11_chu-tich-tap-đoan.jpg
Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang mong muốn tham gia vào quan hệ đối tác với Việt Nam. Ảnh: MINH TRÚC
P11_bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị NVIDIA đồng hành cùng Việt Nam trong việc xây dựng vườn ươm doanh nghiệp ngành bán dẫn. Ảnh: MINH TRÚC

Làn sóng mới về công nghệ đang tới

Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang đánh giá làn sóng mới về công nghệ đang tới và có thể là làn sóng lớn nhất từ trước đến nay.

“Làn sóng mới là cơ hội và cũng là điều bắt buộc dành cho VN. Bởi không một quốc gia nào tụt lại phía sau về trí tuệ nhân tạo mà có thể phát triển được” - ông Jensen Huang nhấn mạnh.

Chính vì vậy, theo ông Jensen Huang, VN cần tận dụng cơ hội và lợi thế của trí tuệ nhân tạo (AI). “Tôi tin VN đã sẵn sàng, đã được chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn. Các bạn cần hành động nhanh nhất có thể để tận dụng làn sóng này” - chủ tịch Tập đoàn NVIDIA nói.

Để tận dụng lợi thế của làn sóng mới này, ông Jensen Huang cho rằng có ít nhất ba thành phần cho một công thức. Thứ nhất, đó là phải có một VN số. VN đã sẵn sàng số hóa khi 100% người dân đã sử dụng điện thoại di động.

Thứ hai, đó là trí tuệ nhân tạo. Theo ông Jensen, trí tuệ nhân tạo là phần mềm, mà phần mềm do con người tạo nên. VN đang sẵn có một nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có - các kỹ sư phần mềm và các kỹ sư này đã sẵn sàng nhảy sang bước tiến mới như trí tuệ nhân tạo. Các kỹ sư phần mềm có kỹ năng rất sâu để tạo ra một thế hệ phần mềm mới.

Thành phần cuối cùng, ông Jensen Huang cho rằng đó là hạ tầng trí tuệ nhân tạo - siêu máy tính. Theo ông, VN đã có hạ tầng Internet với những tên tuổi như Viettel, FPT, CMC... Tương tự với Internet, trí tuệ nhân tạo cũng cần hạ tầng. Trong tương lai, VN cần siêu máy tính. Điều này đòi hỏi phải có hạ tầng trí tuệ nhân tạo.

Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang cho rằng để phát triển chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cần ba yếu tố: Việt Nam số, trí tuệ nhân tạo và hạ tầng trí tuệ nhân tạo - siêu máy tính.

Sẽ hợp tác với nhiều tập đoàn của Việt Nam

Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang nhận định: VN có nền giáo dục và hạ tầng tốt, chỉ cần khích lệ các thế hệ mới để bước vào thế giới trí tuệ nhân tạo; khích lệ các chuyên gia, kỹ sư VN ở nước ngoài về quê hương. Vấn đề hiện nay là cần nâng cao kỹ năng và xây dựng 1 triệu chuyên gia trí tuệ nhân tạo. Đây sẽ là đội ngũ hùng hậu nhất trên thế giới.

“Chúng tôi cam kết sẵn sàng hợp tác với VN để nâng cao kỹ năng và hạ tầng trí tuệ nhân tạo” - ông Jensen Huang cam kết.

Thông tin thêm, lãnh đạo Tập đoàn NVIDIA cho hay hiện nay VN đã và đang là đối tác của NVIDIA, cùng nhau sản xuất. Trong tương lai, ông cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng, tiếp tục nghiên cứu hợp tác với Tập đoàn FPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Vingroup… để giúp VN phát triển trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, ông Jensen Huang tin tưởng VN sẽ là quê hương thứ hai của NVIDIA và VN sẽ trở thành trung tâm lớn nhất của tập đoàn trên thế giới. “Trí tuệ nhân tạo là một cuộc cách mạng rất lớn, rất nhanh và nó không giống các cuộc cách mạng trước đây. Chính vì vậy, VN phải hành động ngay và nhanh” - ông Jensen Huang dành lời khuyên.

Việt Nam cần khắc phục ngay những cái còn thiếu

Thế giới đã thay đổi và đang dần chuyển sang một bước ngoặt mới. Nhưng VN phải nhìn nhận những thứ “chưa có” về công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đầu tiên đó là hạ tầng mới. Theo ông Trương Gia Bình, đây là điều VN chưa có và thiếu hạ tầng mới thì VN khó có thể tiến vào tương lai với ngành này được.

Thứ hai, theo ông Bình, trước kia các kỹ sư là kỹ sư phần mềm, giờ đây phải là kỹ sư của trí tuệ. Đây cũng là một điểm mới và dù VN đã có nhưng rất ít.

Chính vì vậy, theo ông Bình, trước mắt để phát triển được công nghiệp bán dẫn cũng như trí tuệ nhân tạo thì VN cần phải mạnh mẽ, quyết liệt trong việc chuyển giao công nghệ cũng như thay đổi được những điều trên.

Chủ tịch Tập đoàn FPT TRƯƠNG GIA BÌNH

Cơ hội “ngàn năm có một” cho Việt Nam

Sau khi lắng nghe chia sẻ của chủ tịch tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự ủng hộ của NVIDIA đối với sự phát triển ngành bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo của VN. Bộ trưởng Dũng cho rằng đây là cơ hội “ngàn năm có một” cho VN và VN phải đón lấy cơ hội này.

Theo đó, Bộ trưởng Dũng đề nghị phía NVIDIA nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại VN; hợp tác, đầu tư, xây dựng các cơ sở nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm về thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn của NVIDIA tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và các khu công nghệ cao của VN.

Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị NVIDIA hợp tác, tư vấn, hỗ trợ các cơ sở đào tạo của VN về nguồn lực, chuyên gia xây dựng các chương trình đào tạo, thực hành trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; tạo điều kiện cho các kỹ sư, học viên của VN có thể tham gia thực tập, làm việc tại NVIDIA.

Mặt khác, Bộ trưởng Dũng mong muốn tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác, đầu tư kinh doanh tại VN; đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Viettel, Vingroup, VNPT, FPT, CMC, VNG, Momo, VNPay… phát triển hệ sinh thái hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại VN.•

NVIDIA đã đầu tư 250 triệu USD vào Việt Nam

Chiều 10-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA của Mỹ.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập, VN và Mỹ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước. Do đó, cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của VN, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Thủ tướng, đây cũng là lĩnh vực mà VN có nhiều tiềm năng, lợi thế, phù hợp với tố chất của người VN. VN hiện có khoảng 6.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. VN đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao từ nay đến năm 2030, trong đó ưu tiên đào tạo các kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.

Thủ tướng đề nghị NVIDIA xác định tầm nhìn chiến lược, lâu dài trong việc hợp tác, đồng hành, hỗ trợ VN xây dựng, thực hiện chiến lược bán dẫn quốc gia; phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở cả ba công đoạn là thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip và đóng gói, kiểm thử.

Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang cho biết tập đoàn đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào VN, xác định VN là thị trường quan trọng. Với quan điểm coi VN là ngôi nhà của mình, tập đoàn mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại VN để thu hút nhân tài trên khắp thế giới. Qua đó, góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai…, góp phần vào tương lai số hóa của VN.

Trước đó, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông John Neffeur, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), cho biết Mỹ đang trong cơn khát nhân lực chất bán dẫn và ngay từ trong dịch COVID-19, nguồn nhân lực VN đã là nguồn bù đắp quan trọng cho sự thiếu hụt này. VN là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm