ĐB Nguyễn Đình Khang (Ninh Thuận), Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khi thảo luận về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Quốc hội chiều 27-7 đã đề cập đến một vấn đề thiết yếu cho công nhân. Đó là vấn đề nhà ở.
Đại biểu Khang đề nghị bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân vào danh mục đầu tư công. Ông mong muốn Quốc hội thảo luận, thông qua và quan tâm bố trí vốn cho nhiệm vụ này.
“Như Quốc hội đã biết, một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân lao động cả nước là vấn đề nhà ở. Thực tế triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, bức xúc này càng lộ rõ”, ông Khang nói.
Theo ông hàng triệu công nhân từ Bắc chí Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát, chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao.
“Điển hình có những địa phương tại một thôn ở gần các KCN chỉ có hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự”, ông Khang cho hay.
ĐB Nguyễn Đình Khang (Ninh Thuận) nói vấn đề nhà ở cho công nhân là luôn bức thiết, lúc nào cũng nóng bỏng. Ảnh: QH
Trích báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, ông Khang nói cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 héc-ta, trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 héc-ta. Nhà ở cho công nhân KCN mới có 2,58 triệu m2, chỉ đủ cho hơn hơn 330.000 lao động.
“Con số này thật quá ít ỏi so với thực tế nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân”, ông Khang nói.
Từ thực tế này, ông Khang đề nghị tăng cường các chính sách về nhà ở cho ông nhân như được quy định ở Nghị định 99/2015, Nghị định 100/2015 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49/2021) để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội
“Những bức thiết về nhà ở cho công nhân lúc nào cũng nóng bỏng”, ông Khang khẳng định.
Theo ông Khang, ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân được Đảng và Chính phủ quan tâm qua các Nghị quyết từ ĐH XIII đến nay. Và để hiện thực hóa chủ trương này, ông Khang đề nghị Chính phủ “xây dựng chính sách đủ mạnh” nhằm thu hút các nhà đầu tư với các mục tiêu rõ ràng, dễ thực hiện. Ông cũng đề nghị bố trí ngân sách làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân.
“Vì chúng ta không thể khoán trắng nhà ở xã hội cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước”, ông Khang nói.