Chủ xe, tài xế ăn vạ khi bị CSGT ‘vịn’

Tối 1-3, Đại tá Võ Trọng Hùng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết không tạm giữ xe khách BKS 17B-001.46 mà đã lập biên bản tạm giữ giấy tờ để xử phạt hành chính. Công an đang triệu tập chủ xe và lái xe để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.

Đâm xe vào CSGT, bỏ khách dọc đường

Như đã thông tin, chiều 28-2, nhận tin báo xe giường nằm BKS 17B-001.46 của nhà xe Trường Kỳ chạy tuyến Thái Bình - TP.HCM nhồi nhét khách, CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đón lõng để xử lý. Khi chiếc xe đến địa bàn xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, tổ CSGT ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nhưng lái xe cho xe đâm thẳng vào tổ CSGT, sau đó tăng ga cho xe bỏ chạy với tốc độ cao. Chạy đến huyện Thạch Hà, lái xe dừng lại bên đường rồi mở cửa đẩy gần 20 khách xuống xe. CSGT truy đuổi tới nơi, chủ xe đã nhảy xuống sa sả: “Tôi hỏi các anh tôi có lỗi gì?” rồi lái xe tiếp tục vù ga cho xe lao vào lực lượng chức năng rồi bỏ chạy. 

Tiếp tục truy đuổi, CSGT đã chặn được xe, yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra thì lái xe và nhà xe không hợp tác, cãi lý: Xe chở khách đủ, không chở thừa. Xe chạy đúng tốc độ, không cản trở giao thông.

Khi lực lượng chức năng làm việc, chủ xe đã chửi, ăn vạ, đòi bắt đền vì “CSGT làm mất thời gian” của bà.

Trong clip, chủ xe Bùi Thị Vân kêu tên vị CSGT: “Sáng ơi, mày chưa có trình độ nên mày chưa thể cầm giấy tờ tao được…”. Khi CSGT yêu cầu đưa xe về trụ sở để làm việc, chủ xe lớn tiếng: “Các anh uy hiếp tôi, các anh làm nhục tôi, bây giờ tôi mệt lắm rồi… Các anh phải đền thời gian cho tôi… Công dân tốt như vầy lại ra ức hiếp tôi”. Vừa nói bà này vừa ngồi bệt xuống đất.

Khi lực lượng chức năng tăng cường đến xử lý, cương quyết đưa xe về trụ sở, chủ xe và tài xế ăn vạ, cản trở lực lượng chức năng, ôm chân người thi hành công vụ, kêu khóc: “Ối giời ôi, nó đánh em tôi!”. Còn lái xe thì la lớn: “Tôi làm sao mà bắt tôi” và có hành vi chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng.

Chủ xe Bùi Thị Vân cãi lý với CSGT là xe bà không vi phạm gì.

Chủ xe, tài xế ăn vạ khi bị CSGT ‘vịn’ ảnh 2

Chủ xe, tài xế ăn vạ khi bị CSGT ‘vịn’ ảnh 3

Chủ xe, tài xế ăn vạ khi bị CSGT ‘vịn’ ảnh 4
 
Lao xe vào CSGT rồi bỏ chạy, bỏ gần 20 hành khách nhồi nhét xuống dọc đường và chủ xe ăn vạ, vu khống CSGT đánh người . (Ảnh cắt từ clip)

Có dấu hiệu chống người thi hành công vụ

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, gần 20 hành khách bị đẩy khỏi xe ở địa bàn xã Kỳ Liên, huyện Thạch Hà đã được nhà xe thuê chở qua đèo Ngang thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình và bị bỏ rơi ở đó. Số khách này đã được lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh đưa về nhà xe Trường Kỳ nhận lại hành lý. Đến chiều tối 28-2, nhóm khách này cũng đã được bố trí xe khác để tiếp tục hành trình. Còn chủ xe và tài xế đã được công an mời về trụ sở Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh để lấy lời khai.

Tối 1-3, Đại tá Võ Trọng Hùng cho biết: Xe khách 17B-001.46 đã có ba hành vi vi phạm là lái xe không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, gây cản trở và chở quá người quy định. “Do những ngày sau tết, nhu cầu đi lại của hành khách đông nên đêm 28-2, sau khi buộc hạ tải và tạm giữ giấy tờ, chúng tôi đã cho hành khách lên xe khách 17B-001.46 tiếp tục hành trình. Đồng thời, đang triệu tập lái xe và chủ xe để điều tra, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Nếu đủ chứng cứ thì sẽ khởi tố” - Đại tá Hùng nói.

Có xử lý hình sự?

Theo một luật sư, hành vi của tài xế và lái xe có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 BLHS. Bởi quy định của điều luật nêu rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

“Hành vi hai lần phóng xe vào CSGT của tài xế; hành vi ăn vạ, vu khống “nó đánh em tôi” của chủ xe được xem là thủ đoạn khác của tội danh này. Cũng cần lưu ý là điều luật này có cấu thành hình thức, tức không cần có hậu quả gây hại cho người thi hành công vụ mới xử lý. Mặt khác, trong lúc cả nước đang chống việc nhồi nhét khách, phóng nhanh… để lập lại kỷ cương an toàn giao thông thì hành vi của chủ xe và tài xế cần xử nghiêm để răn đe” - luật sư này phân tích.

Ngược lại, một chuyên gia cho rằng hành vi trên không cần thiết xử lý hình sự mà chỉ cần xử lý hành chính là đủ. Bởi lẽ việc tài xế không dừng xe có thể xem là “không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông”. Còn hành vi ăn vạ, chửi bới, lớn tiếng của chủ xe có thể bị xử phạt theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013 (hành vi cản trở, chống lại việc kiểm tra của người thi hành công vụ). “Ranh giới giữa vi phạm hành chính với vi phạm hình sự rất mong manh. Vì thế, cơ quan chức năng cần cân nhắc khi xử lý” - vị này nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm