Chưa có nhà đầu tư nào muốn xây dựng sân bay Sa Pa

(PLO)- Trước đây có hai nhà đầu tư quan tâm đến sân bay Sa Pa nhưng khi tỉnh Lào Cai phát hành hồ sơ mời thầu thì không có nhà đầu tư nào tham gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa họp hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa- tỉnh Lào Cai theo phương thức đối tác công tư PPP.

Đề xuất tăng vốn góp Nhà nước

Theo đó, sân bay Sa Pa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10-2021. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện các bước đầu tư, chính quyền tỉnh Lào Cai nhận thấy một số vấn đề cần điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Cụ thể, UBND tỉnh muốn điều chỉnh dự án theo hướng thực hiện việc giải phóng mặt bằng toàn bộ 317 ha thay vì giải phóng theo từng giai đoạn như quyết định trước đó của Thủ tướng. Cạnh đó, tăng vốn góp của Nhà nước từ 39,29% lên 49,74% để thu hút nhà đầu tư.

sân bay sa pa
Mô phỏng hình ảnh sân bay Sa Pa trong tương lai. Ảnh: Báo Lào Cai

Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến là 3 năm 7 tháng; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 5 tháng). Giai đoạn một của dự án thực hiện sau năm 2021. Giai đoạn hai sẽ thực hiện sau năm 2028.

Với đề xuất trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT vừa nhóm họp hội đồng thẩm định liên ngành.

Theo đó, hội đồng nhận định cho rằng tỉnh Lào Cai đề xuất điều chỉnh giải phóng mặt bằng cả hai giai đoạn là phù hợp quy định. Tuy nhiên, giai đoạn hai thực hiện sau năm 2028 nên cần có giải pháp ổn định dân cư và bảo vệ tái lấn chiếm khu vực đã giải phóng.

Phân tích nguyên nhân không có nhà đầu tư dự thầu

Về lựa chọn nhà đầu tư, UBND tỉnh Lào Cai cho biết qua thực hiện khảo sát có hai nhà đầu tư muốn làm sân bay Sa Pa là Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa thuộc Tập đoàn SunGroup và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T. Tuy nhiên, sau khi phát hành hồ sơ mời thầu lại không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu.

Từ thực tế trên, địa phương nhận thấy việc đầu tư vào hạ tầng sân bay Sa Pa cần nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, thời gian thu hồi vốn lại kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư còn e dè. Điều này dẫn đến sau hai lần mời thầu dự án vẫn không có nhà đầu tư nào tham gia.

“Tuy nhiên, chúng tôi chưa tổng kết kinh nghiệm về vấn đề này để có phương án xử lý nếu phát sinh trường hợp tương tự trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư…” - UBND tỉnh Lào Cai cho hay.

Theo đó, địa phương muốn điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tăng phần vốn góp của Nhà nước từ 39,29% lên 49,74%.

Về vấn đề này, hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lào Cai phân tích sâu sắc hơn nữa mối quan hệ của việc tăng tỉ lệ vốn Nhà nước với việc không có nhà đầu tư tham dự thầu.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang lập đề án xã hội hóa ngành hàng không để trình các cấp có thẩm quyền. Hội đồng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT để làm rõ các điều kiện cần thiết, đảm bảo tính khả thi trong việc thu hút vốn đầu tư dự án.

Tỉnh cũng cần chỉ đạo các đơn vị làm rõ nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc chưa lựa chọn được nhà đầu tư ngoài nguyên nhân tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án còn thấp. Trong đó xem xét đến cả nguyên nhân khác khiến dự án chưa thực sự hấp dẫn như dự kiến khung giá, phí, cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, đề xuất việc điều chỉnh toàn diện các nội dung cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi dự án.

Ngoài ra, hội đồng thẩm định liên ngành cũng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai rà soát, đảm bảo tính khả thi của dự án do thời gian hoàn vốn rất dài, khó thu hút vốn từ các ngân hàng thương mại.

UBND tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm về kết quả khảo sát và tính toán, dự báo số lượng hành khách mỗi năm, đảm bảo việc tính toán là khoa học, trung thực, khách quan. Song song đó, địa phương phải đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã duyệt…

Cảng hàng không Sa Pa cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 70km, được Thủ tướng phê duyệt đầu tư vào tháng 10-2021. Quy mô dự án là cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II đạt công suất 1,5 triệu hành khách mỗi năm. Giai đoạn hoàn thiện đầu tư nâng cấp sân bay đáp ứng 3 triệu hành khách mỗi năm.

Tổng mức đầu dự án trong hai giai đoạn dự kiến hơn 6.948 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước hơn 2.730 tỉ đồng (chiếm 39,29%), gồm vốn ngân sách Trung ương và địa phương, còn lại là vốn nhà đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm