Chưa đến đỉnh dịch, số ca sốt xuất huyết nặng và tử vong đã tăng cao

(PLO)- Các chuyên gia y tế lo ngại số ca nặng, sốc do sốt xuất huyết đang tăng cao so với 3 năm cùng kỳ trong khi đó còn 3 tháng nữa mới đến đỉnh dịch sốt xuất huyết. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-6, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM gồm: BV Quận 8, BV Nhi đồng 1, BV Bệnh Nhiệt đới.

Báo cáo với đoàn công tác, BS Trần Quốc Hùng, Giám đốc BV Quận 8 cho biết từ đầu tháng 5 đến nay, số ca mắc SXH đến khám và điều trị tại BV liên tục gia tăng. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 20 lượt khám và 15 ca nhập viện.

Trước tình hình nhập viện do SXH gia tăng, BS Hùng cho biết BV đã chuẩn bị đầy đủ nhân sự, thuốc men, vật tư y tế, giường bệnh để sẵn sàng ứng phó, tuy nhiên BV gặp khó khăn khi nhân sự tại các khoa điều trị SXH khá mới và trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị các ca nặng nên tỉ lệ chuyển bệnh lên tuyến trên vẫn còn cao. “Đa số chúng tôi chỉ tiếp nhận những ca bệnh nhẹ, đối với các trường hợp có dấu hiệu nặng, sốc và tái sốc thì sẽ chuyển viện lên tuyến trên để đảm bảo an toàn cho người bệnh”, - BS Hùng cho hay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang thăm hỏi một bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết ở Bệnh viện Quận 8. Ảnh: HOÀNG LAN

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang thăm hỏi một bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết ở Bệnh viện Quận 8. Ảnh: HOÀNG LAN

Tại BV Nhi đồng 1, tuyến cuối chuyên tiếp nhận bệnh nhi SXH, BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết từ đầu năm đến nay, BV đã có 7 ca tử vong, trong đó 5 ca ở tỉnh khác chuyển đến. Bệnh nhân tử vong chủ yếu do sốc kéo dài, suy đa cơ quan, có bệnh nền, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Hiện BV đang có 130 bệnh nhi điều trị nội trú, trong đó có 30 ca nặng, 2 ca thở máy, 3 ca thở áp lực dương liên tục, 29 bệnh nhân có sốc.

“Trung bình mỗi tháng, BV có hơn 100 ca sốt xuất huyết nặng, sốc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 chỉ chưa tới 20 ca mỗi tháng”, - BS Minh cho hay.

BS Minh cho biết BV nhận định dịch SXH đang diễn biến phức tạp, khuynh hướng tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh vào các tháng 8, 9, 10.

Theo BS Minh, việc thu dung, điều trị bệnh nhân SXH tại BV Nhi đồng 1 vẫn đang được kiểm soát tốt, sẵn sàng các phương án trong trường hợp các ca bệnh tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện đơn vị đang gặp khó khăn về nguồn cung ứng thuốc điều trị SXH. Các loại dung dịch cao phân tử sử dụng để điều trị sốt xuất huyết như Dextran 40, HES 200, Dextran 70 và các thuốc vận mạch như Dopamin chưa tìm được nguồn cung ứng. Trong khi đó, việc dùng dung dịch cao phân tử HES 130 có điện giải thay thế để điều trị sốc SXH lại chưa được chấp thuận thanh toán Bảo hiểm y tế.

Do đó, BV Nhi đồng 1 kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp tìm nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị thực tế cho người bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường huấn luyện các bác sĩ tuyến dưới, phòng khám tư và các bệnh viện tỉnh, rút kinh nghiệm ca tử vong, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát SXH thông qua chương trình SXH quốc gia.

“Qua 2 năm COVID-19, tình hình nhân viên khối nhiễm ở các tuyến trước “quên bài” khá nhiều, cần tăng cường huấn luyện và phân tích rút kinh nghiệm các ca tử vong”, BS Minh nói và cho biết ở phía Nam đã có tổng cộng 18 ca trẻ em tử vong do SXH.

Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hoan nghênh sự chuẩn bị kỹ càng của các BV nhằm ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh SXH. Thứ trưởng Trường Sơn cho rằng, hiện nay dịch bệnh SXH trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam đang có những diễn biến phức tạp, khả năng sẽ bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới. Bên cạnh công tác tuyên truyền phòng dịch, Thứ trưởng Trường Sơn yêu cầu các BV cần chuẩn bị tốt hơn nữa cơ số giường bệnh, thuốc men, vật tư y tế để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ cho tuyến dưới, thực hiện tốt việc thu dung, điều trị cho người dân, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để họ phân biệt được các triệu chứng bệnh, triệu chứng chuyển nặng nhằm phát hiện và điều trị kịp thời cho người dân. Theo thứ trưởng Trường Sơn, mặc dù hiện nay chưa có dấu hiệu quá tải bệnh viện nhưng nếu tất cả các ca bệnh đều chuyển tuyến đổ dồn lên tuyến trên thì tình trạng quá tải có thể xảy ra.

“Các BV tuyến trên cần thường xuyên tập huấn cho nhân viên y tế tuyến dưới, đặc biệt là các phòng khám tư bởi đây là nơi người dân thường lui tới nhiều nhất. Việc tập huấn, hội chẩn từ xa cần thực hiện liên tục để nhân viên y tế không “quên bài”, tăng năng lực điều trị sớm cho người dân, hạn chế nguy cơ tử vong”, - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Ghi nhận những khó khăn mà các bệnh viện phản ánh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ có những giải pháp tháo gỡ, đặc biệt tăng cường nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế cho các BV nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở y tế thực hiện việc điều trị cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm