Chưa đến tuổi nghỉ hưu chỉ được rút 50% BHXH một lần?

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức lương hưu cho người tham gia BHXH đủ 15 năm và giảm mức hưởng BHXH một lần chỉ còn 50%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý là quy định cách tính lương hưu cho người đủ 15 năm tham gia BHXH. Cụ thể, người lao động (NLĐ) đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019 có từ 15 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì tối thiểu 20 năm như quy định hiện hành.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất người lao động nghỉ hưu trước tuổi nếu chọn nhận BHXH một lần thì mức hưởng tính theo số năm đóng BHXH. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục để hưởng BHXH một lần. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất người lao động nghỉ hưu trước tuổi nếu chọn nhận BHXH một lần thì mức hưởng tính theo số năm đóng BHXH. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục để hưởng BHXH một lần. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Mức lương hưu cho 15 năm tham gia BHXH

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tiền lương tháng đóng BHXH khi đóng đủ 15 năm với nữ và 20 năm với nam. Sau đó, mỗi năm đóng được cộng thêm 2% và tối đa bằng 75% mức lương đóng. Nếu thời gian tham gia BHXH 15-20 năm với nam và dưới 15 năm với nữ, mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% lương tháng tính đóng BHXH.

Trường hợp NLĐ nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm nghỉ trước tuổi tính giảm 2% trên tỉ lệ lương hưu được hưởng. Nếu nghỉ hưu trước tuổi có thời gian lẻ sáu tháng không bị tính giảm tỉ lệ phần trăm lương hưu, chỉ khi thời gian lẻ trên sáu tháng mức giảm là 1%.

Trong dự thảo lần này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất NLĐ nghỉ hưu trước tuổi nếu chọn nhận BHXH một lần thì mức hưởng tính theo số năm đóng BHXH.

Việc tăng lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH, do Chính phủ điều chỉnh. Nếu đề xuất trên được thông qua, nữ đến tuổi nghỉ hưu có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng. Trường hợp NLĐ được đóng BHXH chỉ bằng mức lương tối thiểu trong 15 năm, bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chỉ 3,8 triệu đồng/tháng, khi về hưu sẽ hưởng mức lương 1,7 triệu đồng/tháng.

Với nam, nếu tới tuổi nghỉ hưu mà mới tham gia BHXH 15 năm, mỗi năm đóng sẽ được tính bằng 2,25% (do chưa đủ 20 năm đóng để được tính 45% lương), lương hưu được tính bằng 33,75% tiền lương tháng tính đóng BHXH. Nếu cùng mức lương tháng tính đóng BHXH là 3,8 triệu đồng/tháng như nữ, cùng đóng 15 năm, nam về nghỉ hưu sẽ nhận mức lương chưa tới 1,3 triệu đồng/tháng.

Về lo lắng mức đóng giảm sẽ đi đôi với mức lương hưu thấp, Bộ LĐ-TB&XH từng cho biết ở nhiều nước, thời gian tham gia BHXH 10 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tất nhiên thời gian đóng BHXH ngắn thì mức lương hưu có thể thấp nhưng với khoản tiền được trả hằng tháng NLĐ vẫn đảm bảo tốt hơn cho cuộc sống khi về già. Đặc biệt, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong trợ cấp xã hội cho người cao tuổi.

Mục tiêu của Việt Nam là cần chú trọng tới mở rộng diện bao phủ BHXH với mức hưởng có thể thấp hơn thay vì diện bao phủ hẹp với mức hưởng cao, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

(Bộ LĐ-TB&XH)

Chỉ được rút 50% tiền BHXH một lần

Để giảm tình trạng nhận BHXH một lần, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, từng nói sẽ đưa vào dự luật BHXH theo hướng NLĐ chỉ rút phần mình đóng vào quỹ BHXH (8% so với lương), 14% của người sử dụng lao động đóng sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia. Tuy nhiên, phương án này ngay lập tức bị NLĐ phản ứng.

Do đó, trong dự thảo lần này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất NLĐ nghỉ hưu trước tuổi nếu chọn nhận BHXH một lần thì mức hưởng tính theo số năm đóng BHXH. Cứ mỗi năm được tính bằng một tháng (quy định hiện hành là hai tháng) mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, số còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Trường hợp NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, có thể chọn một trong ba cách sau: Đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương; hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương tháng đóng BHXH của mình; đề nghị hưởng BHXH một lần.

Nếu được thông qua, NLĐ nhận một nửa số tiền BHXH một lần, phần còn lại được bảo lưu cho đến tuổi nghỉ hưu để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hoặc chọn phương án nhận số tiền còn lại. Trường hợp NLĐ có điều kiện được đóng đủ phần còn thiếu để hưởng lương hưu, nếu không may tử vong thì giải quyết chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đóng BHXH và phần tiền được bảo lưu (tính theo chỉ số giá tiêu dùng). NLĐ đi định cư, nhiễm các bệnh phong, lao, HIV… vẫn được nhận đủ tiền đóng BHXH một lần như quy định hiện hành.

Theo một chuyên gia về bảo hiểm, quy định trên giải quyết được bài toán là NLĐ có một khoản tiền để giải quyết khó khăn trước mắt, khuyến khích họ trở lại thị trường lao động hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu. Song song đó, bảo lưu số tiền còn lại cũng là căn cứ giải quyết hưởng hưu trí, tử tuất và các chế độ ngắn hạn khác khi NLĐ tiếp tục tham gia BHXH. Tuy vậy, hạn chế của phương án này là mức lương hưu của NLĐ sẽ thấp do trước đó họ đã rút ra một nửa.•

Hai phương án về cách tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

Phương án 1, tiền lương tính đóng BHXH gồm tiền lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được xác định mức tiền cụ thể.

Phương án 2, tiền lương tính đóng BHXH gồm tiền lương và các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung nhưng không gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ không liên quan tới thực hiện công việc.

Chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương tháng có thể chọn mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc trong khung 2-36 triệu đồng/tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm