“Có năm địa điểm được nhắm đến để xây dựng nhà hát giao hưởng nhạc, vũ kịch. Công viên 23-9 được chọn vì thuận lợi nhất, đáp ứng yêu cầu triển khai nhanh dự án” - ông Trương Trung Kiên, Trưởng phòng Quy hoạch khu trung tâm, Sở QH-KT TP.HCM cho hay tại buổi tọa đàm về địa điểm xây dựng nhà hát này do Sở VH-TT&DL tổ chức ngày 14-6.
“Phải hy sinh cái nhỏ”
Các vị trí từng được lựa chọn xây dựng nhà hát giao hưởng nhạc, vũ kịch là khu đất 23 Lê Duẩn, sân bóng đá Hoa Lư, Thảo Cầm Viên Sài Gòn, khu đô thị mới Thủ Thiêm và Công viên 23-9. “Tuy nhiên, những khu vực trên đều có những hạn chế nhất định về diện tích hoặc cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Cuối cùng, chỉ có vị trí tại Công viên 23-9 là phù hợp nhất vì có nhiều hướng tiếp cận, cơ sở hạ tầng có sẵn” - ông Kiên lý giải.
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết trong định hướng quy hoạch, Công viên 23-9 sẽ bao gồm cây xanh và công trình văn hóa. “Nhà hát có diện tích 1,2 ha, chiếm khoảng 10% diện tích công viên. Xây tại vị trí này là hợp lý nhất, vừa thuận lợi nhu cầu đi lại và giải trí tinh thần của số đông người dân vừa để tôn tạo cho chính công viên. Việc kết nối giao thông, ga metro và cây xanh sẽ được thiết kế hợp lý và hài hòa nhất” - ông báo cáo.
Vị trí dự kiến xây nhà hát giao hưởng tại Công viên 23-9 còn nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh: HTD
GS Hoàng Cương, nguyên Giám đốc Nhạc viện TP, cũng nhận xét nhà hát sẽ là một điểm nhấn cho TP. “Nhà hát cần có không gian nên vẫn sẽ có cây xanh, thậm chí trồng thêm cây cổ thụ, đặt thêm ghế đá cho người dân hóng mát. Về giao thông, nếu có hệ thống giao thông ngầm thì không phải lo. Về tiếng ồn, kỹ thuật hiện nay cách âm rất tốt” - ông Cương phân tích.
Nhạc sĩ Vĩnh Lai cho rằng TP rất cần những nhà hát đạt chất lượng tốt nhất để đưa loại hình nghệ thuật đỉnh cao vào biểu diễn, giao lưu văn hóa. “Cây xanh tại Công viên 23-9 không phải loại cây quý, số lượng chưa nhiều. Đôi lúc phải hy sinh cái nhỏ để được cái lớn hơn” - nhạc sĩ bày tỏ.
“Nên tìm vị trí khác”
Ở hướng ngược lại, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Tất cho rằng trong năm vị trí được đề cử thì vị trí tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đất 23 Lê Duẩn là rất đáng cân nhắc. “Đất ở số 23 Lê Duẩn nhỏ nhưng tính sang trọng rất cao, mà các quốc gia xem nhà hát giao hưởng là công trình để ăn nói về văn hóa. Ngoài ra, hai bên Công viên 23-9 là dãy cao ốc thương mại, dịch vụ. Xét theo trục dọc vị trí này cũng khá đẹp nhưng trục ngang chỉ có 90 m là quá hẹp, khó có thể nhìn ngắm, thưởng thức nhà hát từ xa như một giá trị văn hóa kiến trúc nghệ thuật” - ông Tất bày tỏ.
KTS Nguyễn Khởi cũng cho rằng trục ngang 90 m của Công viên 23-9 là quá chật chội vì cần khoảng lùi để chiêm ngưỡng nhà hát. Trong khi đó, TP đang rất cần những công trình có thể tạo cú hích cho khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Tính chất đô thị là không thể thay đổi được. Trung tâm Sài Gòn xưa nay là nơi tập trung mua bán, lại có tượng đài, nhà thờ…, khó phù hợp xây nhà hát giao hưởng. Nhà hát nên nằm trong cụm văn hóa, không nên nhỏ lẻ” - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Huỳnh Văn Mười nhận xét.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cũng bày tỏ không nên xẻ mảng xanh tại Công viên 23-9 mà nên tìm vị trí khác. “Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một không gian mở, rất thuận tiện để xây dựng nhà hát. Còn Công viên 23-9 chỉ có một ưu điểm duy nhất là cơ sở hạ tầng sẵn có, trong khi có rất nhiều hạn chế” - ông góp ý.
“Địa điểm xây nhà hát còn quan trọng hơn thiết kế, vì nó tạo cảm hứng cho người thiết kế và quyết định cho sự thành bại của công trình. Nếu chỉ vì thấy thuận lợi mà nhăm nhăm xây nhà hát bất chấp việc làm mất mảng xanh thì sẽ vi phạm quy chế về mảng xanh, rất khó giải thích với số đông người dân” - đại diện Viện Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh.
“Sở VH-TT&DL sẽ tổng hợp đầy đủ, trung thực và khách quan tất cả góp ý về địa điểm xây dựng nhà hát để báo cáo Thành ủy” - ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT&DL, kết luận buổi tọa đàm.
BÊN PHẢN ĐỐI Chưa rõ lý do xây nhà hát Vẫn chưa làm rõ lý do vì sao chọn vị trí xây nhà hát tại công viên 23-9. Tính cấp thiết của dự án này ra sao cũng chưa được đề cập. KTS NGUYỄN KHỞI Vài năm nữa xây cũng không sao Ai vào xem, bao nhiêu người thụ hưởng loại hình nghệ thuật này trong khi nếu giữ công viên thì người nghèo nhất cũng được hưởng. Như tôi là giáo sư cũng không có tiền xem, mà có đi xem chắc cũng không hiểu. Vài năm nữa xây nhà hát cũng không hại gì TS NGUYỄN MINH HÒA, Trường ĐH KHXH&NV BÊN ỦING HỘ Sẽ là biểu trưng của TP TP không thể thiếu công trình phục vụ loại hình nghệ thuật đỉnh cao. Công trình cũng sẽ là tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc, biểu trưng cho TP. KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM Sự lan tỏa không thể thiếu Vé xem nhạc giao hưởng chỉ 60.000-350.000 đồng, hiện nhiều chương trình không còn chỗ đứng. Sự lan tỏa dù nhỏ nhưng không thể thiếu, nếu mọi người không được hướng dẫn khuyến khích tiếp thu giá trị tinh thần đẹp đẽ thì là điều rất đáng buồn. Nghệ sĩ violon TĂNG THÀNH NAM 1999: UBND TP.HCM cho phép xây dựng nhà hát ở vị trí Công ty Xổ số kiến thiết (23 Lê Duẩn, quận 1). 2009: Chuyển dự án nhà hát về Công viên 23-9, Sở VH-TT&DL mời đơn vị tư vấn thiết kế Busman and Haberer (Đức) thiết kế sơ bộ với quy mô 1.500 chỗ, mức đầu tư 1.408 tỉ đồng. 2011: Dừng dự án ở Công viên 23-9, dời nhà hát sang xây dựng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. 2012: UBND TP quyết định dời dự án về lại Công viên 23-9. 4-2013: Sở VH-TT&DL trình UBND TP về chỉ định thầu tư vấn thiết kế dự án nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Công viên 23-9. |
CẨM TÚ