Cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (nay là Bí thư Thành ủy TP.HCM) đã ra các quyết định bàn giao luồng tuyến và bến, cảng dọc 25 km sông Đồng Nai cho TP.HCM và Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan cấp dưới vẫn “cưỡng lệnh”, chưa thực hiện việc bàn giao.
Đoạn sông ảnh hưởng cả vùng
Đoạn sông trên rất quan trọng đối với sự phát triển giao thông cảng biển, cảng sông và đường bộ của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phải xây dựng và hoàn thiện các cụm cảng cạn, trong đó có cảng Trường Thọ (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức); cảng hàng hóa đường sông như cảng Long Bình (phường Long Bình, quận 9 nằm ở đoạn sông Đồng Nai nêu trên)...
Theo Sở GTVT TP.HCM, cảng Trường Thọ nằm gần cảng Xi măng Hà Tiên, sát xa lộ Hà Nội. Thời gian qua, xe ra vào các cảng này gây ra cảnh kẹt xe thường xuyên cho xa lộ Hà Nội và cửa ngõ phía Đông. Vì vậy, hướng phát triển cảng hàng hóa đường sông của TP là khu cảng Long Bình (quận 9) còn khu cảng Trường Thọ sẽ được chỉnh trang, sắp xếp lại.
Một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, các cảng biển nằm ở hạ lưu cầu Đồng Nai thuộc Đồng Nai và Bình Dương là đầu mối giao thông quan trọng của hai địa phương và cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Chúng là cửa ngõ tiếp nhận tàu biển ra vào xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ các khu công nghiệp của Đồng Nai, Bình Dương... Việc giao đoạn sông này về Đồng Nai sẽ giúp địa phương chủ động trong đầu tư nạo vét luồng, xây dựng khu neo tàu, làm các bến cho nhiều loại tàu ra vào thuận lợi hơn.
TP.HCM dự kiến phát triển cảng Long Bình để kết hợp vận tải đường thủy - đường bộ, song đến nay chưa được bàn giao. Ảnh: L.ĐỨC - H.TUYÊN
Đây là một trong những lý do chính dẫn đến việc ông Đinh La Thăng khi còn làm bộ trưởng Bộ GTVT đã ký các quyết định (vào năm 2013, 2014) yêu cầu Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam bàn giao ngay tuyến luồng, cảng, bến trong vùng nước cảng biển, tuyến luồng sông Đồng Nai cho các đơn vị chức năng của Bộ và tỉnh Đồng Nai, TP.HCM.
Vướng vì lao động dôi dư (?!)
Các cảng bến này lâu nay do Cảng vụ ĐTNĐ khu vực 3 (Cảng vụ 3, thuộc Cục ĐTNĐ) trực tiếp quản lý. Tại các buổi làm việc với Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, TP.HCM bàn việc bàn giao-tiếp nhận, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ 3, đề nghị hai sở phải nhận một số lao động. Trong đó, Đồng Nai phải nhận 10 người. Tỉnh Đồng Nai trả lời: Tỉnh đã đủ biên chế, không thể nhận người thì ông Thạch vẫn khẳng định: “Có nhận người thì tôi mới bàn giao cảng, bến”.
Ở TP.HCM, ban đầu giữa Cảng vụ 3 và đại diện Sở GTVT đạt được thỏa thuận. Sở GTVT nhận một số lao động nhưng theo nguyên tắc họ phải đảm bảo được khối lượng, tính chất công việc mới.
Nhưng sau đó ông Thạch đổi ý, đề nghị Đồng Nai và TP.HCM phải nhận người của Cảng vụ 3 phụ trách cảng Thủ Đức và Nhơn Trạch.
Thực tế, trong các quyết định của Bộ trưởng Thăng chỉ yêu cầu bàn giao các cảng, không nêu bàn giao-tiếp nhận người lao động. Tuy vậy, năm 2015 ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ, có văn bản yêu cầu Cảng vụ 3 chỉ bàn giao các cảng, bến sau khi thống nhất với Sở GTVT tỉnh Đồng Nai và TP.HCM về nhân sự, chế độ chính sách với số người làm việc tại hai đại diện Cảng vụ 3 ở Thủ Đức và Nhơn Trạch. “Văn bản này như lá chắn, giúp Cảng vụ 3 chống lệnh bộ trưởng” - một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói.
Trả lời PV, ông Nguyễn Ngọc Thạch cho biết các lao động này đã làm việc 19-20 năm tại Cảng vụ 3 nên khó chuyển sang các đơn vị khác của Cục ĐTNĐ. “Đồng Nai chỉ đồng ý nhận bến buộc tôi phải dùng bài “cả gói”, chưa giao bến, cảng cho cả Đồng Nai lẫn TP.HCM” - ông Thạch nói.
Về số người dôi dư, ông Thạch cho rằng trước đây Cục ĐTNĐ không định lượng được số người tương ứng với số bến phải quản lý, tính chất công việc. “Cục ĐTNĐ phê duyệt số người lao động đó và nay dôi dư thì phải có trách nhiệm bố trí việc làm mới. Bắt tôi giải quyết thì tôi chỉ còn cách buộc các địa phương nhận kèm người khi nhận bến, cảng” - ông Thạch nói.
Mạnh dạn giao, TP.HCM đủ sức làm Tại buổi làm việc về công tác phối hợp giữa Bộ GTVT với TP.HCM vào ngày 27-2, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói: “Những vấn đề Bộ trưởng ủy quyền được thì nên ủy quyền. Năm 2013 tôi đã ký các quyết định ủy quyền cho TP.HCM quản lý toàn bộ tuyến đường thủy nội địa vì sao đến nay chưa làm?”. Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng ĐTNĐ, cho biết còn vướng một số vấn đề. Bí thư Thăng truy hỏi: “Vấn đề gì? Ông nói là không có nguồn để nuôi bộ máy cảng vụ? Tôi nói giao luôn cả cảng vụ cho TP.HCM, không chỉ đường thủy mà các vấn đề khác và tôi tin TP.HCM sẽ quản lý tốt hơn nhiều. Các tuyến đường thủy nội địa từ luồng lạch đến bến cảng, đất bãi ven sông… hãy giao cho TP.HCM quản lý, khai thác. TP.HCM có đủ bộ máy, con người để làm đó nên Bộ cứ giao, ủy quyền đi và giám sát chặt, kiểm tra kỹ chứ đừng sợ TP.HCM làm rồi bị ngã. Người đứng dưới gốc vịn mà cứ sợ người leo trên thang bị ngã là sao?” - Bí thư Thăng nói. Lẽ ra khi đạt được thỏa thuận với địa phương nào thì Cảng vụ 3 nên bàn giao ngay cảng, bến, con người cho địa phương đó. Các vướng mắc còn lại với Đồng Nai thì sẽ gỡ tiếp chứ không nên kéo cả cụm vào mớ bùng nhùng. Ông PHAN VĂN DUY, Phó Cục trưởng Cục ĐTND Việt Nam |