Điều này xuất phát từ vụ ồn ào nhiều tháng qua khi nhà vô địch Olympic Caster Semenya của Nam Phi thua kiện sau phán quyết giới tính thông qua lượng testosterone trong máu.
Caster Semenya về mặt hình thể và giải phẫu học, căn cứ trên bộ phận sinh dục bên ngoài không phân biệt được nam hay nữ và cuối cùng phải xác định lượng testosterone trong máu.
Điều đáng nói là các VĐV nữ châu Phi từ Nam Phi đến Kenya rất khó định dạng giới tính của họ về giải phẫu học… Những người mà lâu nay họ thi đấu ở phân khúc nữ.
Về mặt hình thể bên ngoài cũng có VĐV có những nét vô hình là nữ như nụ cười, gương mặt nhưng cơ bắp và lượng testosterone thì như nam. Nhưng ngược lại cũng có những VĐV nữ mà như nam từ nụ cười, khuôn mặt đến cơ bắp và chiều cao…
Caster Semenya, nhà vô địch Olympic người Nam Phi vừa bị thua kiện vì “chuẩn giới tính” không chấp nhận chị là nữ. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngoài Semenya, hàng loạt VĐV châu Phi như Wambui (Kenya), huy chương đồng Olympic, được mô tả là có thân hình cao như đồng nghiệp nam và cơ bắp cũng cuồn cuộn… và không phân biệt được giới tính qua “hình thể học”.
Theo “chuẩn testosterone” dành cho nữ của IAAF thì Wambui có khả năng nghỉ thi đấu vì lượng testosterone vượt rất cao.
Các VĐV nữ châu Phi khác như Imali, Makena của Kenya đều đã vượt chuẩn testosterone.
Trước thách thức như vậy, bản thân các VĐV này cũng buồn bã. Wambui nói với báo chí trên sân tập: “Bây giờ tôi phải làm sao đây? Thi đấu thì phải tập nặng nhưng tôi tập nặng thì lượng testosterone lại tăng mạnh vượt chuẩn của IAAF, mà không tập thì làm sao thi đấu?”.
Có điều đáng nói là chính “chuẩn testosterone” của IAAF này lại tương tác mạnh với chỉ các VĐV nữ châu Phi mà thôi. Trong khi đó các VĐV nữ ở những nơi khác thì không có trường hợp nào cả.
Chính điều này nên ở một góc độ nào đó, các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng rằng “chuẩn testosterone” đã “phân biệt chủng tộc”, hay nói khác đi là loại nhiều VĐV nữ châu Phi ra ngoài cuộc chơi.
Chắc chắn sẽ vẫn còn tranh luận rất nhiều qua “chuẩn giới tính”.