Trong tuyên bố của mình, CAS cho biết trường hợp này là một điển hình quan trọng nhất. Có sức ảnh hưởng rộng lớn không chỉ với tương lai của điền kinh mà cả những môn thể thao khác nên cần phải cân nhắc.
Đại diện của CAS cho biết thêm: “Chúng tôi lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, các chuyên gia, nhân chứng. Chủ tịch IAAF Lord Coe phát biểu ngay từ đầu và cô Semenya nói lời cuối cùng. Phiên điều trần diễn ra suốt tuần trong bầu không khí thân mật và tôn trọng lẫn nhau”.
VĐV Nam Phi Caster Semenya, người hai lần đoạt huy chương cự ly chạy 800 m Olympic, bác bỏ quy định mới của IAAF, hạ thấp lượng testosterone (hormone nam) đối với các VĐV có rối loạn nội tiết tố (hyperandrogenic).
Trong lập luận của mình, IAAF cho rằng Semenya có sự phát triển giới tính khác so với các VĐV nữ khác. Cô có mức testosterone cao hơn các VĐV nữ khiến những cuộc tranh tài cự ly 400-1.000 m không công bằng.
Có mặt tại phiên điều trần tại Lausanne, Thụy Sĩ, các chuyên gia của Semenya đã cùng tranh luận xung quanh quan điểm trên. Họ cũng cung cấp các bằng chứng, những tác động tiêu cực về thể chất và tinh thần lên Semenya, nếu cô (hay các VĐV khác) buộc phải giảm mức testosterone tự nhiên thông qua việc dùng thuốc.
Trong những nỗ lực trước đây, việc điều chỉnh lượng testosterone ở các VĐV nữ khiến IAAF từng mắc sai lầm năm 2015. Cơ quan quản lý điền kinh thế giới cấm thi đấu đối với VĐV Ấn Độ Dutee Chand vì mức độ cao của cô. Sự việc sau đó đã được Dutee đưa đến CAS phân xử.
Tại thời điểm đó, CAS tuyên bố IAAF không có đủ bằng chứng để chứng minh các VĐV “rối loạn nội tiết tố” sở hữu một lợi thế đáng kể so với những VĐV khác.