Những vòng đấu HLV Andersen cho Phượng ra sân cho có không khí và chuẩn bị tinh thần đầy đủ, đó là chuyện bình thường của các nhà cầm quân, kể cả khi tiếp nhận những ngôi sao đẳng cấp thế giới.
Trên thế giới này có bao nhiêu cầu thủ vừa về đội là ra sân thi đấu liền và thi đấu nhiều? Đó có lẽ chỉ là Ronaldo và Messi hiện nay mà thôi. Nhưng những ngôi sao này cũng có một quãng thời gian tập tành thi đấu giao hữu trước mùa giải khi họ về đầu quân một CLB mới.
Ngày Công Phượng được HLV Andersen của Incheon Utd tung ra sân những phút bù giờ những trận đầu mùa K-League, thế là dư luận chê trách thậm tệ, “ném đá”, thậm chí còn nhắc chuyện ở Nhật như “hết đi phát tờ rơi, đến ra sân làm… cảnh”…
Sau đó, những trận gần đây Công Phượng đá đủ 90 phút thì đồng đội anh đá không hay… Thế là Công Phượng bị đặt vào vòng hoài nghi rằng các đồng đội là những cầu thủ Hàn Quốc trong màu áo Incheon đã không muốn Công Phượng tỏa sáng; ngại Công Phượng trở thành ngôi sao của đội (!?)… nên không hợp tác, không biến cơ hội mà Công Phượng “dọn cỗ” cho… Thật là những suy nghĩ quá nguy hiểm và áp đặt lối suy nghĩ của mình lên người khác.
Hãy để Công Phượng thích nghi và phấn đấu ở K-League thay vì chỉ trích đủ điều chỉ làm khổ cầu thủ này. Ảnh: INCHEON UTD
Hàn Quốc từ một nước lạc hậu trở thành cường quốc kinh tế là nhờ tính tập thể, lòng tự tôn, cùng giúp nhau vượt khó và vươn lên, tinh thần dân tộc, màu cờ sắc áo họ có được.
Chỉ vì Công Phượng đá tốt trong hai trận gần đây, thế là dư luận lập tức bảo tập thể cầu thủ Hàn Quốc trong màu áo Incheon Utd “đì” và cô lập Công Phượng... Những suy nghĩ tiêu cực và viết lên thành luồng dư luận như thế thật nguy hiểm.
Với vai trò một HLV, ai cũng thế thôi, kể cả HLV Andersen, khi một cầu thủ mới về mà chẳng là ngôi sao, chẳng phải là những cầu thủ đến từ nền bóng đá phát triển thì HLV trưởng thường hay “nhốt” và có biện pháp “kích” để cầu thủ chạm tự ái và khi được tung ra sân là bùng nổ. Cũng có khi là chờ đợi sự tiến bộ hay chờ hòa nhập…
Điển hình là từ khi Công Phượng được ra sân đá chính thì anh đã thể hiện đúng tố chất và có lẽ đúng với những gì HLV Andersen mong đợi. Khi ra sân thì Phượng chơi bùng nổ và phong độ cực cao, sức mạnh, sức bền đều rất tốt, hiệu quả…
K-League, một giải đấu có chất lượng chuyên môn thuộc hàng đầu châu lục, một giải đấu mà cầu thủ thể hiện phải khỏe, bền và chịu đựng sức va chạm rất khốc liệt, xử lý nhanh…, khác rất xa V-League.
Hãy chờ Công Phượng tiếp tục khẳng định khả năng của mình. Một cầu thủ đến từ nền bóng đá yếu hơn nhiều lần thì cần đòi hỏi thời gian và cả sự phấn đấu.
Mong là những người yêu và cả chưa yêu Công Phượng đừng làm khổ cầu thủ này bằng những dòng chỉ trích K-League lẫn chỉ trích cả các cầu thủ Hàn Quốc kiểu như sợ Phượng nổi hơn mình.