Hàng loạt công trình kém chất lượng
Thời gian gần đây, hàng loạt sự cố liên quan đến chất lượng chung cư đang khiến cho nhiều người mua nhà cảm thấy hoang mang.
Tại dự án HQC Plaza (huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Công ty Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư, dù chưa hoàn thiện và được nghiệm thu từ cơ quan chức năng, nhưng phía công ty vẫn lách luật để cho người dân vào ở.
Hệ quả, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, dự án đã 2 lần xảy ra sự cố cháy nổ. Dù chưa có thiệt hại về người, nhưng sự cố cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, cuộc sống của cư dân.
Theo phản ánh của một số khách hàng, chất lượng của HQC Plaza đang là vấn đề được nhiều người lo ngại.
“Mình vừa vào ở được 2 tháng, vậy mà một số chỗ trên tường nhà đã có dấu hiệu bị nứt, gạch dưới sàn cũng bị bong tróc nhiều, trời mưa thì thấm dột khắp nơi, mới vào ở mà đã như vậy, về lâu về dài không biết còn điều gì xảy ra”, chị N.T.M, một khách hàng cho biết.
Mới đây nhất, công ty Hoàng Quân lại khiến nhiều người hốt hoảng khi yêu cầu khách hàng dọn vào ở tại block 4 của dự án dù chưa hoàn thành quá trình khắc phục và nghiệm thu PCCC.
Được biết, đây là block đã xảy ra sự cố cháy nổ vào ngày 15/7. Sau khi sự cố xảy ra, phía Hoàng Quân đã đối phó bằng cách chuyển 1 số hộ dân tại block này sang block 2 của dự án ở tạm. Đến nay, do cần lấy lại căn hộ ở block 2 để bàn giao cho khách hàng nên công ty đưa dân quay lại block 4, dù những điều kiện về an toàn vẫn chưa được đảm bảo.
Một dự án khác cũng được đặt dấu hỏi về chất lượng công trình là Flora Anh Đào (đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) do Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Nguyên Phúc (công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long) làm chủ đầu tư.
Hơn 3 tháng sau khi đi vào sử dụng, một số bức tường tại dự án Flora Anh Đào đã xảy ra tình trạng nứt gãy.
Dù được quảng cáo là công trình có chất lượng Nhật Bản với môi trường sống tốt, thế nhưng trên thực tế, dù mới chỉ đưa vào sử dụng được hơn 3 tháng, nhiều căn hộ tại các tầng 1, 3, 7… của dự án đã xuất hiện các vết nứt cả bên trong lẫn bên ngoài. Dù đội ngũ thi công tòa nhà đã nhiều lần sửa chữa, dặm vá bằng cách đục rỗng các vết nứt để trám lại bằng xi măng nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Chị N.T.P.H, ngụ căn hộ 114 cho biết, cuối năm 2015, chị ký hợp đồng với Công ty Nguyên Phúc để mua căn hộ diện tích 59 m2 với giá 1,2 tỷ đồng.
Ngày 26/6, khi đến nghiệm thu căn hộ để bàn giao chính thức, chị phát hiện trong căn hộ xuất hiện vài vết nứt, cửa sổ làm thô sơ, không an toàn... và phản ánh lên Ban quản lý chung cư để khắc phục.
Đến ngày 27/7, chị mới chính thức dọn vào ở. Thế nhưng, chỉ được vài ngày, chỉ tiếp tục phát hiện nhà mình bị nứt và vết nứt ngày càng xuất hiện nhiều, có xu hướng lan rộng. Quá hoang mang, chị tiếp tục phản ánh tới Ban quản lý chung cư. Bên cạnh việc hứa sẽ sửa chữa, chủ đầu tư còn đòi mua lại căn hộ của chị với giá rất cao nhưng chị không đồng ý.
Một dự án khác cũng đặt trong tình trạng “báo động” về chất lượng là The Easter City (còn gọi là chung cư 6B) trên đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.
Dù chưa hoàn thành và được nghiệm thu, nhưng phía chủ đầu tư cũng đã lách luật để bàn giao nhà từ cuối năm 2015.
Mảng trần nhà nham nhở tại dự án The Easter City do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.
Chỉ đến khi vào ở, cư dân mới tá hỏa trước chất lượng của công trình này. Theo phản ánh, việc trần nhà bị thấm dột phải dùng xô chậu hứng nước, bãi để xe đọng nước lênh láng, thang máy hoạt động không ổn định, thậm chí có trường hợp người dân bị kẹt bên trong, gạch lót hàng lang bong tróc hay tường bị nứt gãy... không phải là chuyện hiếm tại chung cư này.
Khách hàng có thể khởi kiện chủ đầu tư xây dựng ẩu
Có thể nói, trong những trường hợp nêu trên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư khi không đảm bảo được chất lượng công trình.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay, Luật quy định trách nhiệm nghiệm thu công trình thuộc về chủ đầu tư và người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Và việc nghiệm thu đó, cơ quan Nhà nước không cần tham dự.
Cụ thể, khi hoàn thành thi công xong phần nào (móng cọc hoặc phần thô, sàn tầng...), giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát đều phải cùng nhau làm một biên bản nghiệm thu, trong đó xác nhận công trình đúng thiết kế, đúng chất lượng và đảm bảo kỹ thuật.
Để ra được bản nghiệm thu đó, phía chủ đầu tư phải mang mẫu thử của công trình (mẫu bê tông, cốt thép...) sang những trung tâm kiểm nghiệm theo quy định để kiểm tra.
Sau khi hoàn thành nghiệm thu công trình, kể cả nghiệm thu PCCC, phía chủ đầu tư sẽ làm hồ sơ để trình lên Sở Xây dựng. “Lúc này, Sở Xây dựng chỉ đóng vai trò hậu kiểm. Nếu công trình đã có đủ hồ sơ, thì Sở Xây dựng sẽ đến kiếm tra thực địa và có biên bản đồng ý cho chủ đầu tư đưa dân vào ở”, ông Châu cho biết.
Cũng theo ông Châu, khi có hư hỏng xảy ra, khách hàng có quyền gửi đơn lên Sở Xây dựng để yêu cầu xử lý. Lúc này, Sở sẽ thành lập đoàn thanh tra và đưa ra quyết định xử phạt (nếu có) cũng như yêu cầu chủ đầu tư khắc phục công trình. Trong trường hợp không thỏa mãn, khách hàng có thể khởi kiện chủ đầu tư ra tòa.
Theo một chuyên gia bất động sản, bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi chung cư chưa đủ điều kiện mà vẫn được đưa vào sử dụng.
“Một dự án đang thi công dang dở, chưa đảm bảo an toàn, chưa được nghiệm thu mà dân vẫn vào ở được, nếu bảo rằng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không biết thì rõ ràng là do anh quản lý địa bàn kém, còn nếu anh biết mà vẫn cho qua thì rõ ràng là đã có sự dung túng, bao che”, vị này cho biết.
Tương tự là chất lượng công trình, nếu như cơ quan kiểm định làm kỹ, kiểm tra gắt gao các tiêu chuẩn, quy chuẩn của dự án, cái nào chưa đạt thì kiên quyết bắt làm lại, chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng làm ẩu, làm láo của các chủ đầu tư.