Trước những thông tin cho rằng phân khúc nhà ở cao cấp đang áp đảo thị trường và nguy cơ ế thừa, trong khi nhà giá rẻ khan hiếm, một số tờ báo đưa ý kiến của TS Lê Đăng Doanh, quân giá nhà ở Việt Nam cao gấp 20- 25 lần thu nhập của người dân, PV Infonet đã liên lạc với TS Lê Đăng Doanh để tìm hiểu cụ thể hơn.
Tuy nhiên, khá bất ngờ, khi trao đổi với PV chiều 27/9, TS Lê Đăng Doanh khẳng định: “Tôi nói là giá nhà Việt Nam cao gấp 32-34 lần so với thu nhập của người dân, chứ không phải 20-25 lần như các báo đã đưa hoặc có thể họ biên tập đưa giảm xuống để khỏi “giật mình” thôi”.
Theo chuyên gia cảnh báo thì sắp tới nhiều gia đình sẽ không có nhà vì giá nhà Việt Nam quá cao, cao gấp 34 lần thu nhập. Ảnh: Minh Thư
Theo ông, giá nhà ở Việt Nam chênh lệch quá lớn so với thu nhập người dân, trong khi ở các nước chỉ gấp hơn 5 lần. Điều này có thể dẫn đến nhiều gia đình sẽ không có nhà ở trong vài năm tới và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giáo dục con cái.
Vì sao giá nhà ở Việt Nam lại cao đến vậy? “Tôi cho rằng, có vấn đề về giá đất và lợi ích nhóm, có nhóm lợi ích “đẩy” giá nhà lên, giá nhà không được kiểm soát công khai minh bạch”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Nguyên nhân khác được ông đưa ra đó là do lãi suất ngân hàng ở Việt Nam quá cao, trước đây chỉ khoảng 3,8-4% nhưng nay là 8-10%, tức là cao gấp đôi so với lãi suất ở Thái Lan và các nước khác, điều này cũng khiến các doanh nghiệp chịu chi phí đầu vào rất cao.
Do đó, theo ông Doanh cần phải có cơ chế thị trường, công khai minh bạch, khắc phục được “lợi ích nhóm”… thì mới có thể có mức giá nhà phù hợp với thu nhập người dân. Đồng thời, phải kiểm soát được giá đất, giá đất phải được định giá theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) - ông Nguyễn Văn Đực chính các thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng dự án bị kéo dài thời gian cũng đã “đẩy” chi phí của doanh nghiệp lên và chi phí đó được tính vào giá nhà, góp phần làm giá nhà bị cao khiến người dân phải “gánh” chịu.
Ông Đực nhẩm tính, thời gian thực hiện các thủ tục cứ kéo dài thêm một năm thì doanh nghiệp tăng thêm 5% chi phí.
Cụ thể, giai đoạn 1: Trước Nghị định 90/2006 thì thủ tục đơn giản. Để khởi công dự án chỉ cần có quyết định giao đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 là được. Thiết kế hạ tầng, giấy phép môi trường, PCCC bổ sung sau khi xây dựng. Giá bán thời điểm đó là 5-6 triệu đồng/m2.
Giai đoạn 2: Nghị định 90/2006 và Nghị định 71/2010 quy định về dự án đầu tư và giấy phép xây dựng quy định bên cạnh quyết định giao đất và phê quyệt quy hoạch 1/500 cần phải thiết kế cơ sở hạ tầng (gồm PCCC, môi trường, điện, nước) mới được phê duyệt dự án đầu tư và sau đó mới được cấp giấy phép xây dựng.
Hoàn thành đầy đủ thủ tục sẽ được khởi công. Để làm đầy đủ thủ tục này, doanh nghiệp thường mất thời gian làm 2-3 năm. Giá bán nhà thời điểm này trên 10 triệu đồng/m2.
Giai đoạn 3: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế kỹ thuật và giấy phép xây dựng. Cùng với các thủ tục ở giai đoạn 2, chủ đầu tư cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế kỹ thuật và giấy phép xây dựng mới được khởi công.
Việc quản lý quá chặt này đã khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Giá bán 14-15 triệu/m2 và hiện nay trên 20 triệu/m2.
“Như vậy, sau 3 giai đoạn bổ sung quy định, giá nhà ở đã đội lên gấp 4 lần, từ 5-6 triệu đồng/m2 lên đến 20 triệu đồng/m2”, ông Đực nói.
Trước đó, theo số liệu thống kê của HoREA, giá căn hộ bình dân, quy mô vừa và nhỏ đang cao gấp 20-25 lần thu nhập trung bình năm của người có thu nhập thấp. Ước tính, người có thu nhập trung bình và thấp phải tiết kiệm 17 năm thì mới có đủ tiền mua căn hộ loại bình dân.