Kiến nghị lập trang web công khai các dự án nhà ở xã hội

(PLO)- Ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và pháp chế, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM kiến nghị lập trang web để công khai các dự án nhà ở xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Ngày 21-11, Báo Người Lao Động tổ chức toạ đàm Nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách mới. Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý đã đặt ra những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội.

Đề xuất lập trang web chuyên biệt về nhà ở xã hội

Ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch và pháp chế, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho hay, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội chủ yếu bao gồm hai nguồn chính. Thứ nhất là quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại đã được pháp luật quy định từ trước nhưng vẫn còn nợ lại hoặc chưa triển khai. Thứ hai quỹ đất do các chủ đầu tư nhà ở xã hội tự tìm kiếm, mua lại hoặc xin đầu tư.

Kiến nghị lập trang wed công khai các dự án nhà ở xã hội
Quang cảnh buổi toạ đàm Nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách mới. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

"Tại TP, định hướng bố trí các dự án nhà ở xã hội đang được cập nhật và lồng ghép vào đồ án quy hoạch phân khu. Việc xác định rõ vị trí và chỉ tiêu cụ thể giúp loại bỏ các quy trình phức tạp như điều chỉnh quy hoạch cục bộ hay hệ số sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư lựa chọn vị trí phù hợp với dự án"- ông Huỳnh Trịnh Phong nói.

Ông Huỳnh Trịnh Phong đề xuất lập một trang web chuyên biệt về nhà ở xã hội. Trang web này sẽ công khai các dự án nhà ở xã hội, giúp người dân dễ dàng tra cứu và lựa chọn theo nhu cầu. Đây cũng là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc minh bạch thông tin và kết nối giữa các dự án với người dân.

Nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá thời gian qua TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Khó khăn ở hầu hết các khâu như quy hoạch xây dựng, xác định nghĩa vụ tài chính, các thủ tục về đất đai, thủ tục đầu tư, xác định giá bán nhà ở xã hội.

Từ những khó khăn nêu trên, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ nhằm đẩy nhanh công tác phát triển nhà ở xã hội. TP sẽ cụ thể hóa quy hoạch phân khu, xác định rõ các vị trí dành cho nhà ở, ưu tiên phát triển các khu vực mới hoặc tái sử dụng các vị trí cũ, đảm bảo pháp lý trong quá trình xây dựng. Đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục giao đất và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

TP đã phê duyệt khoảng 3.700 tỉ đồng từ ngân sách để đầu tư vào nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, TP cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư từ trong và ngoài nước, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong xây dựng nhằm giảm giá thành.

TP cũng triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, trong đó có gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng, điều này giúp người mua nhà tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Hơn nữa, TP cũng đang phối hợp với Liên đoàn Lao động để đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là các mô hình nhà ở cho thuê và thuê mua, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của công nhân và người lao động.

Thu hút nhà đầu tư từ chính sách mới

Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Trưởng Phòng Nhà ở Xã hội, Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, thông tin có nhiều điểm mới trong chính sách nhà ở xã hội. Cụ thể là điều kiện thụ hưởng, Luật mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thu nhập thấp, bãi bỏ điều kiện cư trú khi mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Với trường hợp thuê, chỉ yêu cầu đúng đối tượng mà không cần đáp ứng điều kiện về nhà ở, thu nhập.

Ngoài ra, điều kiện về thu nhập cũng có thay đổi theo hướng nới lỏng hơn. Cụ thể, là cá nhân độc thân có lương dưới 15 triệu đồng/tháng, vợ chồng có tổng thu nhập không vượt quá 30 triệu đồng/tháng, với lực lượng vũ trang nhân dân, mức thu nhập được tính theo hàm đại tá.

Bên cạnh đó, với chính sách mới này, chủ đầu tư sẽ được vay vốn từ ngân hàng và với người dân không chỉ được vay để sửa chữa mà còn để mua nhà ở xã hội, giúp thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội.

"Chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, không cần thực hiện thủ tục xác định giá đất. Chủ đầu tư còn được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% trên diện tích xây dựng nhà ở xã hội và ưu đãi tối đa 20% tổng diện tích đất hoặc sàn xây dựng để phát triển công trình thương mại.

Chính sách lợi nhuận định mức 10% dành riêng cho diện tích nhà ở xã hội sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia..."- bà Phạm Thị Thu Hà đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm