Thống đốc ngân hàng nêu lý do gói vay mua nhà ở xã hội giải ngân thấp

(PLO)- Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã chỉ ra nhiều lý do khiến vốn vay mua nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đang giải ngân rất chậm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 11-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong lĩnh vực ngân hàng.

Giải ngân vốn vay mua nhà ở xã hội rất thấp

Đặt câu hỏi, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề nghị Thống đốc cho biết các giải pháp của NHNN để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33 của Chính phủ?

nhà ở xã hội.jpg
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đặt câu hỏi chất vấn với Thống đốc NHNN. Ảnh: QH

Trả lời, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết chương trình đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội là một chủ trương lớn, nhân văn, nhằm giải quyết nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, chương trình này cần huy động nhiều nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Vấn đề này cũng được các ĐB đưa ra trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội và thị trường bất động sản.

Theo bà Hồng, để hưởng ứng chương trình này, NHNN đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 33 việc các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra gói tín dụng 120 ngàn tỉ đồng, đến nay đã tăng lên 145 ngàn tỉ đồng.

Theo chương trình thì vốn do các ngân hàng huy động từ người dân, lãi suất giảm khoảng từ 1,5-2% so với mức lãi suất thông thường 3 năm với người có thu nhập thấp, 5 năm với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, bà cho hay giải ngân vốn này đang thấp do phụ thuộc các địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình này theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Và việc này là cho vay thông thường nên khách hàng vay vốn vẫn phải đảm bảo điều kiện vay vốn.

“Trong bối cảnh dịch covid-19 vẫn còn hệ luỵ, người bình thường đã rất khó khăn rồi huống chi là người có thu nhập thấp và công nhân thì họ lại càng khó khăn để đi vay, sở hữu một căn nhà. Đây là giai đoạn mới đầu triển khai nên chưa tăng giải ngân được. Nhưng theo thời gian khi kinh tế bớt khó khăn sẽ giải ngân mạnh” - Thống đốc NHNN cho biết, đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng và các địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu nhà ở với nhu cầu đi thuê của người dân có thu nhập thấp thế nào để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Gỡ vướng mắc tín dụng cho thị trường bất động sản

Tại phiên chất vấn, ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cũng cho biết thời gian qua thị trường BĐS đã có bước phát triển nhất định, góp phần cải thiện nhu cầu về nhà ở của người dân. Tuy nhiên thị trường này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, như mất cân đối cung cầu, giá bất động sản còn cao so với thu nhập người dân. Nhiều khu đô thị, dự án gặp vướng mắc, chậm triển khai.

111120240912-z6020345120471_9e6457c9fd9ccf5f9409d35c5a5e8e5d.jpg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn sáng nay. Ảnh: QH

“Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới NHNN sẽ có giải pháp thế nào để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản đang trầm lắng, giải pháp tạo điều kiện cho công nhân, người thu nhập thấp giải quyết nhu cầu về nhà ở, trong khi gói vay 120 ngàn tỉ đang giải ngân rất chậm” - ĐB Vân chất vấn.

Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp.

Đó là tích cực rà soát các vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, ban hành thông tư để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Bằng cách này, nợ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã được cơ cấu lại và có thể tiếp cận nguồn vốn vay mới.

NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm, miễn lãi với các dự án, trong đó có dự án bất động sản; sửa đổi một số quy định theo hướng thuận lợi hơn với thị trường bất động sản…

“Với phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, thì như tôi đã trình bày, đây là nguồn lực chủ yếu từ ngân sách. Với NHNN thì đề xuất gói 120 ngàn tỉ đồng, thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực triển khai” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm