Cuộc tháo chạy khỏi sàn chứng khoán của nhà đầu tư có khi đẩy thị trường mất đến 55 điểm. Và điều này làm cho các đại gia Việt Nam cũng mất hàng ngàn tỉ đồng. Và vốn hóa của thị trường cũng bay mất 7 tỉ USD.
Kết thúc phiên giao dịch "đỏ lửa" và đầy thảm khốc của ngày hôm nay (11-10), VN-Index mất 48,07 điểm, đưa chỉ số xuống còn 945,89 điểm.
Trong phiên giao dịch này, 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất đã mất hơn 90.000 tỉ đồng. Bốn cổ phiếu có vốn hóa giảm trên 10.000 tỉ đồng là GAS (16,1 ngàn tỉ đồng), VCB (14,4 ngàn tỉ đồng) và VHM (12.000 tỉ đồng) và VIC (11,5 ngàn tỉ đồng).
Cũng trong phiên giao dịch này, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 600 tỉ đồng. Như vậy, từ đầu tuần đến giờ, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì thị trường đang bị ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư nội từ những lo ngại của thị trường chứng khoán với hàng loạt cổ phiếu công ty công nghệ lớn bị bán tháo, chứ nội tại nền kinh tế Việt Nam đang rất tốt.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, cho biết trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam vẫn hưởng lợi nhiều nhất. Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong phiên 11-10 do nhà đầu tư có tâm lý rất tiêu cực.
Điều đáng ngại nhất là gần một ngày sau khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm 3,15% kéo theo việc mất điểm của hầu hết các thị trường chứng khoán khác trên thế giới, giới phân tích vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho biết thực tế thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay có lúc đã vượt đỉnh 1.200 điểm với P/E đạt 22 lần. Trong khi năm 2007 VN-Index đạt gần 1.200 điểm nhưng P/E gấp đôi. Nghĩa là hồi năm 2007, giá cổ phiếu đắt gấp đôi so với năm 2018. Điều này cho thấy tỉ lệ giảm sẽ không nhiều như trước.
Thêm điều nữa là hiện nay khối lượng công ty trên sàn rất lớn, riêng sàn TP.HCM đã hơn 365 doanh nghiệp, còn hồi năm 2007 chỉ chưa đầy 100 công ty nên khả năng thị trường xuống mạnh là không cao.
Nếu phiên hôm nay, nhà đầu tư bình tĩnh thì tôi cho rằng thị trường không giảm mạnh như vậy. Thực tế, EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp) tăng trưởng bình quân trên 16%-17% là rất tốt. Do đó, mã nào có P/E cao nhà đầu tư nên xem xét thoái vốn, chốt lời, còn không nên bán tháo.
Ông Andy Ho đánh giá đây là do ảnh hưởng thị trường thế giới, còn nền tảng kinh tế VIệt Nam vẫn tốt, không chi phối thị trường chứng khoán. Các bệ đỡ như GDP tăng trưởng trên 6%, tỉ giá ổn định, nguồn vốn FDI giải ngân mạnh 12-14 tỉ USD, dự trữ ngoại hối trên 60 tỉ USD...
Cùng trong ảnh hưởng của thị trường hôm nay, tài sản của các đại gia cũng vơi đi ít nhiều. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà lãnh đạo hãng bay giá rẻ VietJet (VJC), tỉ phú USD theo bầu chọn của Forbes, đã mất hơn 500 tỉ đồng. Bà Thảo hiện đang sở hữu 129 triệu cổ phiếu VietJet và hôm nay cổ phiếu này mất 4.200 đồng.
Còn vị tỉ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, cũng bay mất 800 tỉ đồng. Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland, mất nhẹ 38 tỉ đồng. Còn ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, còn mất ít hơn là 6 tỉ đồng.