Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói với cử tri quận 5 như trên tại buổi tiếp xúc sáng nay (15-10).
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 5 còn có các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND Tối cao, đại biểu Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, đại biểu Phạm Phú Quốc - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trả lời cử tri quận 5. Ảnh: TÁ LÂM
Tại buổi tiếp xúc, một trong những vấn đề lớn của quốc gia mà cử tri quận này quan tâm là bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt là vụ việc trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Địa chất hải dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam biển Đông.
Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Ông Nguyễn Văn Sửu, cử tri phường 8 cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn.
“Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn đề nghị Trung Quốc đưa tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nhưng Trung Quốc có nghe đâu. Chúng ta đề nghị hoài nhưng không hiệu quả, cần phải tính toán lại cách ứng xử” - ông Sửa nói.
Trả lời về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vấn đề tranh chấp biển đảo rất phức tạp. Ngay như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc… cũng đang tranh chấp đảo, không riêng gì Việt Nam.
Theo ông Nhân, Việt Nam kiên định giải quyết vấn đế phải dựa vào luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
“Nhiều người thắc mắc sao chúng ta không kiện như Philippines, phải nhìn rõ vấn đề này. Philippines đã kiện ra Tòa trọng tài quốc tế và tòa ra phán quyết là yêu sách của Trung Quốc không hợp lý nhưng có ai là người đứng ra thực thi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế không? Có chế tài không? Không có, thế giới này không có chính phủ chung. Nên trong bối cảnh đó, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là cơ sở để chúng ta đấu tranh” - ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, chúng ta tổ chức nhiều tọa đàm về biển đảo, qua đó nói lên được tính chính nghĩa của mình. Từ đó chúng ta cần chia sẻ thông tin để nhận được sự ủng hộ của quốc tế.
“Dù bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta phải duy trì đối thoại với các nước láng giềng, đấu tranh qua đường đối thoại ngoại giao. Nhưng chúng ta vẫn sẵn sàng, tới lúc cần thì sử dụng con đường pháp luật. Chúng ta có sẵn phương án để bảo vệ Tổ quốc” - ông Nhân nói.
“Không nên để xung đột quân sự xảy ra nhưng nếu xảy ra chúng ta đủ sức để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Chưa bao giờ lực lượng Hải quân của chúng ta mạnh như bây giờ, có cả tàu ngầm Kilo và nhiều phương tiện hiện đại khác để bảo vệ biển đảo” - ông Nhân nói tiếp.
Theo ông Nhân, vừa rồi Trung Quốc triển khai tàu Hải Dương vào biển Đông và có tàu hộ tống đi theo. Lúc đó, chúng ta cũng có tàu theo sát đủ sức để giám sát.