Nguyên văn câu chữ trong Thông tư 75/2011 của Bộ Công an là “Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có chứng thực hoặc công chứng theo quy định của pháp luật”. Nói công chứng thì rõ là thẩm quyền của các cơ quan hành nghề công chứng nên không có gì phải bàn. Thế nhưng với việc “chứng thực theo quy định của pháp luật” thì không hiểu sao nhiều nơi lại chỉ xác định đó là chứng thực hợp đồng, giao dịchmà quên mất chứng thực chữ ký tại UBND phường, xã.
Đúng là ở nhiều địa phương (trong đó có TP.HCM) đã chuyển giao công tác chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND các cấp sang các tổ chức hành nghề công chứng. Song Nghị định 79/2007 của Chính phủ vẫn đang giao cho UBND cấp xã thẩm quyền chứng thực chữ ký trên các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Vậy thì tại sao không sử dụng cánh cửa tiện lợi này để tạo thuận lợi cho dân mà lại đi đóng nó.
Nếu thấy xe giá trị thấp thì người mua chỉ cần người bán đi chứng thực chữ ký tại địa phương sẽ thực chất hơn. Ảnh: HTD
Tôi đề nghị TP.HCM và nhiều tỉnh khác xem xét lại các quy định ở địa phương về việc công chứng, chứng thực việc mua bán xe. Căn cứ theo Nghị định 79/2007 và Thông tư 75/2011 của Bộ Công an, hãy để người dân tự quyền chọn lựa hoặc đi công chứng hợp đồng mua bán xe hoặc chứng thực chữ ký trên giấy bán xe. Sự ấn định “phải đi công chứng” trong trường hợp này là không nên mà hãy để mỗi cá nhân tự xác định làm cách nào là chắc ăn nhất. Nếu thấy xe trị giá thấp thì người mua chỉ cần người bán đi chứng thực chữ ký. Ngược lại, với xe đắt tiền, người mua sẽ đề nghị phía người bán đi công chứng hợp đồng, giao dịch.
PHƯƠNG THÙY
Để giản tiện cho người dân thì cứ để UBND phường, xã chứng thực chữ ký giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân. Đa số xe máy có giá trị không quá cao và từ trước tới nay chưa có tranh chấp nào đáng lưu ý về việc chuyển nhượng xe máy. Điều này cũng phù hợp với quy định hiện hành là UBND xã, phường, thị trấn được giao thẩm quyền chứng thực chữ ký.
minhha222@...
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, chiếc xe dù một người đứng tên vẫn có thể là tài sản chung của vợ chồng nên thủ tục công chứng hợp đồng bán xe chắc chắn phải khác với việc chứng thực chữ ký giấy bán xe. Nếu công chứng thì vợ (chồng) chủ xe phải có mặt để cùng ký tên hoặc phải có văn bản ủy quyền cho chồng (vợ) được thay mặt mình bán xe. Nếu xe “xịn” thì cũng ráng làm vậy nhưng nếu xe cũ giá trị thấp thì mất công quá! Trong khi đó, nếu chứng thực chữ ký thì chỉ cần mỗi người đứng tên ra phường là xong.
Tôi được biết có công chứng viên đã tự giản lược thủ tục công chứng đối với những trường hợp giao dịch xe có giá trị thấp. Theo đó, người đứng tên chỉ cần ghi thêm vào hợp đồng “tôi cam kết chiếc xe là tài sản riêng của tôi” (hoặc tôi được quyền định đoạt) mà không cần dắt vợ (chồng) theo. Phải nói ngay cam kết này không có giá trị gì cả và hợp đồng làm như thế là không “hợp chuẩn” lắm. Song từ đó cũng cho thấy nhu cầu giản lược trong thủ tục bán xe. Từ những yêu cầu thực tế như vậy, tôi cho rằng không nên “máy móc” buộc dân đi công chứng mọi trường hợp mua bán xe.
nguyenthienson@...
Tránh ghi chung chung
Thông tư 75/2011 viết không rõ so với Thông tư 36/2010. Cách nói “theo quy định của pháp luật” hay được dùng trong nhiều văn bản tựa như đánh đố người dân lẫn các cơ quan nhà nước bởi lẽ đó là quy định nào, nội dung ra sao?
Qua vụ này, tôi đề nghị các cơ quan cấp trung ương khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nên viết thật cụ thể để ai đọc cũng hiểu theo một cách và dễ dàng thực hiện thống nhất.
anhheco…@yahoo.com.vn