Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD) được biết tới là chủ sở hữu của thương hiệu nước ngọt con cọp nổi tiếng một thời của người dân miền Nam. Từng thống lĩnh thị trường nước ngọt rộng lớn phía Nam nhưng trước sức ép cạnh tranh rất lớn đến từ những đối thủ ngoại, "ông vua" nước giải khát một thời Chương Dương đã phải báo lỗ sau hơn một thập niên.
Lỗ ròng sau hơn một thập niên
Theo báo cáo tài chính quý IV-2017 công bố mới đây của Chương Dương, sau nhiều năm báo lãi hàng chục tỉ đồng, lần đầu tiên ông chủ thương hiệu nước ngọt con cọp đã phải báo kết quả lỗ ròng.
Theo đó, năm 2017, Chương Dương chỉ ghi nhận 339 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 21% so với năm trước. Điều xấu hơn còn đến với ông vua nước ngọt một thời khi Chương Dương phải đối mặt với khoản lỗ ròng 2,2 tỉ đồng, trong khi năm trước vẫn lãi gần 31 tỉ đồng.
|
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khoản lỗ này chính là việc doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí công ty phải bỏ ra để duy trì kênh bán hàng, hệ thống đại lý, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn giữ nguyên khiến kết quả kinh doanh của công ty xuống số âm.
Cụ thể, năm 2016, Chương Dương đã chi ra gần 69 tỉ đồng chi phí bán hàng và hơn 35 tỉ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp để thu về 428 tỉ đồng. Trong khi, vẫn với từng đó chi phí trong năm nay, Chương Dương chỉ thu về 339 tỉ đồng. Kết quả, lần đầu tiên trong hơn một thập niên kinh doanh qua, công ty đã phải ghi nhận số âm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Nếu tính riêng trong quý IV vừa qua, doanh thu thuần của Chương Dương đã giảm một nửa so với cùng kỳ và lỗ gần 17 triệu đồng.
Theo giải trình của công ty, nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh giảm sút trong năm vừa qua là sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 7,1 triệu lít, giảm tới 49% cùng kỳ đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu thu về. Dù đã giảm tới 40% chi phí nhưng con số giảm này vẫn kém đà giảm của doanh thu khiến lợi nhuận công ty xuống dưới 0.
|
Năm 2016, công ty báo lãi gần 31 tỉ đồng và hạch toán vào khoản lãi lũy kế của công ty thì đến năm nay, sau khi báo lỗ ròng 2,2 tỉ đồng, công ty đã phải ghi nhận toàn bộ khoản lỗ này vào chỉ số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ lợi nhuận công ty có được từ những năm trước đó đều đã được chia cổ tức và không có khoản lợi nhuận để lại đề phòng rủi ro hoặc phát triển.
Theo đó, từ khi niêm yết trên HOSE (cuối năm 2016) đến nay, vốn góp của chủ sở hữu Chương Dương vẫn giữ nguyên ở mức 85 tỉ đồng. Năm 2016, công ty phải giảm giá bán 4,5% để cạnh tranh với sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, kéo theo doanh thu chỉ hoàn thành 89% kế hoạch đề ra.
"Ông vua" nước giải khát sá xị một thời
Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương tiền thân là Nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn BGI của Pháp. Trước năm 1975, sá xị rất phổ biến tại miền Nam Việt Nam và phần lớn do hãng BGI sản xuất, chứa trong chai thủy tinh.
Sá xị đầu tiên tại Sài Gòn có nhãn hiệu con cọp nên còn gọi là "sá xị con cọp". Vào tháng 7-1977, Tập đoàn BGI chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Việt Nam, trở thành nhà máy quốc doanh với tên gọi là Nhà máy nước ngọt Chương Dương.
|
Mẫu quảng cáo "sá xị con cọp" nổi tiếng một thời. |
Hầu hết thị trường khu vực miền Nam khi đó đều rất ưa chuộng dòng sản phẩm này. Đây được xem như thời hoàng kim của sá xị Chương Dương.
Năm 1993, nhà máy được đổi tên thành Công ty Nước giải khát Chương Dương và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004 và niêm yết tại HOSE hai năm sau đó.
Kết quả kinh doanh của Chương Dương bắt đầu sụt giảm khi thị trường xuất hiện những ông lớn nước giải khát như Coca-Cola và Pepsi... Với tiềm lực tài chính mạnh cùng kinh nghiệm lâu năm, những “người khổng lồ” đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nước giải khát có gas và thị phần, lợi nhuận của Chương Dương cũng bị thu hẹp.
Dù nỗ lực rất nhiều trong việc mở rộng kênh phân phối, tập trung vào các thị trường lớn như TP.HCM, các tỉnh miền Tây, đồng thời từng bước ra miền Trung, miền Bắc, thị phần của Chương Dương vẫn bị giảm mạnh.
Chương Dương cũng từng cho biết công ty đang phải sử dụng công nghệ cũ từ những năm 2000 nên chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường về việc sản xuất các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu tiêu dùng cùng với giá thành cao hơn đối thủ.