Ngày 24-10, Suntory PepsiCo Việt Nam, Công ty VietCycle, Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức về thu gom và tái chế với chủ đề “Hành trình Tái sinh - Vì một Việt Nam xanh”. ThS Nguyễn Thi, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên Môi trường cho biết, tại Việt Nam, sản xuất và tiêu thụ nhựa rất cao. Năm 1991, mỗi người Việt Nam dùng 3,8kg nhựa/năm, đến năm 2018 tiêu thụ nhựa tăng lên 54kg, chủ yếu là các sản phẩm bao bì dùng hàng ngày.
“Bên cạnh đó, thống kê cho thấy cả nước sử dụng 938 triệu túi ni lông/tuần. Nếu trong 1,5 tuần, chúng ta có thể nối các túi ni lông lên tới mặt trăng”, ông Thi ví von.
Theo ông Thi, năm 2024, thế giới sản xuất hơn 400 triệu tấn nhựa, 75% trở thành rác thải nhựa và 72% rác thải nhựa đem chôn lấp. Tỷ lệ tái chế chỉ 14% và chỉ có 2% là tái chế vô tận, rất ít.
“Chúng ta kỳ vọng tái chế nhựa hiệu quả, nhưng do hạ tầng thu gom, công nghệ tái chế thấp nên chủ yếu là chôn lấp”, ông Thi nói.
Đại diện Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ 10% được tái chế, gần 90% còn lại được đem đi chôn lấp hoặc thải ra môi trường. Với cam kết thúc đẩy phát triển bền vững, công ty tiên phong thúc đẩy các sáng kiến bao bì.
Theo đó, tại Việt Nam, công ty tung sản phẩm có bao bì làm từ 100% nhựa tái sinh. Đặc biệt, trong nỗ lực giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, bao bì nước đóng chai có trọng lượng nhẹ nhất toàn cầu đã được ra thị trường. Nhờ đó, mỗi năm công ty trung bình giảm khoảng 5.700 tấn nhựa nguyên sinh trong sản xuất, tương đương giảm phát thải 23.000 tấn carbon ra môi trường
TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, Trưởng Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông cho biết, thông qua chương trình này, hy vọng các bạn sinh viên sẽ có được những hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa. Đồng thời, cũng sẽ học được cách thức để hành động thiết thực, đóng góp vào sự phát triển bền vững.