Diễn đàn kinh tế xanh 2024: Niềm tin về hành trình phát triển xanh của Việt Nam

(PLO)- Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, việc EU tiên phong xây dựng nền kinh tế châu Âu và toàn cầu xanh với những sáng kiến quan trọng là động lực, kinh nghiệm quý để Việt Nam theo đuổi mục tiêu một nền kinh tế xanh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

Ngày 21-10, Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024 (GEFE) với chủ đề “Kiến tạo tương lai xanh”.

Diễn đàn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng… Ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ EU tại ASEAN… cũng tham dự diễn đàn.

EU - đối tác quan trọng của Việt Nam trong hành trình tăng trưởng xanh

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành đối tác quan trọng trong hành trình này.

Thông qua các nền tảng như GEFE, hai bên đang tăng cường hợp tác và mở ra nhiều cơ hội mới cho các khoản đầu tư xanh.

Phó Thủ tướng đánh giá cao chủ đề “Kiến tạo tương lai xanh” và cho rằng để kiến tạo tương lai xanh phải có tư duy xanh, tầm nhìn xanh kết hợp với hành động xanh. Trong đó, công nghệ xanh, năng lượng xanh, lối sống xanh rất quan trọng.

Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp và đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt.

Đơn cử như Việt Nam ban hành các chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết trung hòa carbon, điển hình như Kế hoạch Quy hoạch điện VIII, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải thấp…

Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh…

“Thời gian qua, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai những nhóm giải pháp trên và đạt được những thành tựu đáng khích lệ” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, EU nỗ lực tiên phong xây dựng nền kinh tế châu Âu và toàn cầu xanh với những sáng kiến quan trọng như thỏa thuận xanh, kinh tế số… Đây là động lực, kinh nghiệm quý để Việt Nam theo đuổi mục tiêu một nền kinh tế xanh, bền vững và trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo ông Margaritis Schinas, thương mại song phương EU-Việt Nam trong bốn năm qua đạt 28 tỉ euro, tăng 40%. Riêng năm 2023, EU là một trong những đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Margaritis Schinas cho biết Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại quan trọng của EU mà còn là nhân tố chủ chốt trong thúc đẩy chiến lược hợp tác toàn diện giữa EU và ASEAN.

EU luôn đảm bảo cam kết hành động để trở thành khu vực đầu tiên trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện đơn lẻ mà cần hợp tác với các đối tác toàn cầu như Việt Nam. Chúng tôi hỗ trợ Việt Nam thông qua chiến lược của EU, của các quốc gia thành viên, mang lại nguồn đầu tư, gồm cơ sở hạ tầng để kết nối Việt Nam với thế giới, thúc đẩy hội nhập nhanh hơn, giúp Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050.

Ông Margaritis Schinas - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu

Trong bối cảnh toàn cầu còn biến động, đặt ra nhiều thách thức, EU tiếp tục đồng hành cùng các quốc gia ứng dụng công nghệ mới, giải quyết thách thức biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường...

“Việt Nam là điển hình về hợp tác chiến lược và tăng trưởng xanh, là trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác này” - ông Margaritis Schinas nói.

kinh tế xanh
Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo UBND TP.HCM tại khu vực triển lãm. Ảnh: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp châu Âu cam kết đầu tư bền vững tại Việt Nam

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường... đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp hai bên ngày càng quan tâm.

Diễn đàn là cơ hội để cộng đồng DN Việt Nam - EU cùng tìm hiểu, đáp ứng cơ chế, chính sách, pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn hướng đến mục tiêu về phát triển xanh, bền vững trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận toàn thể, các doanh nghiệp chia sẻ những sáng kiến, thực tiễn trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, sự cần thiết của hợp tác công - tư, những cơ hội đầu tư vào các dự án xanh.

Ông Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam để mang công nghệ mới, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.

EU hiện đang đầu tư nhiều hơn vào chiến lược “cửa ngõ toàn cầu”, đặc biệt là cơ sở hạ tầng các dự án về năng lượng xanh để kết nối Việt Nam với thị trường thế giới.

“Chúng tôi mong muốn có những khung chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), quy định về chống phá rừng châu Âu (EUDR)… Làm sao giúp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng sớm hơn, có lợi thế hơn khi đưa các sản phẩm, dịch vụ vào thị trường EU.” - ông Julien Guerrier nói.

Theo ông Julien Guerrier, GEFE được tổ chức tại TP.HCM cho thấy sự cam kết chặt chẽ của doanh nghiệp EU luôn đồng hành, đầu tư vào Việt Nam theo cách bền vững nhất, biến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, đồng thời mang đến cho nhà đầu tư nhiều niềm tin hơn nữa về hành trình phát triển xanh.

Trong khi đó, ông Yuko Yasunaga, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) cho biết kinh tế xanh hướng đến thúc đẩy các hoạt động sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, phát thải thấp…

Thông qua đó, doanh nghiệp được khuyến khích thực hành các tiêu chuẩn tốt, thích nghi và chống chọi với những biến động, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Kinh tế tuần hoàn không còn ứng dụng nền kinh tế tuyến tính như trước kia. Cụ thể, sau quá trình sản xuất, rác thải biến thành những nguyên vật liệu đầu vào để có thể phục vụ cho sản xuất.

Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn, xanh cần đảm bảo yếu tố lợi nhuận. Hiện tại UNIDO đang hỗ trợ các quốc gia hướng đến kinh tế xanh, mang đến cách tiếp cận tổng quát với sự tham gia của các bên liên quan như chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, người dân…

Làm sao cho doanh nghiệp có nhiều động lực để có những mô hình kinh tế xanh hơn, bền vững hơn… Đồng thời hướng đến cơ chế tài chính mới, tạo ra nguồn tài chính xanh

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định TP.HCM là địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam nhưng đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thách thức cho mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ông Mãi, thành phố cũng là địa phương tiên phong thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Trước mắt, TP.HCM tập trung thực hiện mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030.

Vừa qua, TP đã ban hành Kế hoạch hành động xanh đến năm 2030, gồm 14 nhóm nhiệm vụ rất gần với các chủ đề của GEFE.

Bên cạnh đó, bằng nguồn lực của mình, TP.HCM đang tìm kiếm sự hợp tác quốc tế, hợp tác công - tư để triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Thành phố đang xây dựng chính sách chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, một số ngành, đồng thời tìm kiếm các nguồn vốn để phát triển hạ tầng xanh, nhất là hạ tầng năng lượng…

"Chúng tôi kỳ vọng diễn đàn sẽ giúp TP.HCM có thêm thông tin, kinh nghiệm và kết nối nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững bao trùm thông qua việc chia sẻ các quy định tiến bộ mà EU đang áp dụng" - Chủ tịch UBND TP.HCM xác định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm