Kinh tế xanh đang trở thành tâm điểm để doanh nghiệp Việt hướng đến chuẩn hoá mọi hoạt động kinh doanh. Sản phẩm càng xanh càng có giá trị gia tăng cao hơn, tạo ra lợi thế cạnh tranh và đáp ứng những tiêu chuẩn xanh của các thị trường quốc tế đặt ra.
Chuyển mình "chiều lòng" thị trường khó tính
Chuyển đổi xanh từ sớm đang đem đến hiệu quả kinh doanh tốt cho nhiều doanh nghiệp Việt. Câu chuyện này được doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh, một ông lớn xuất khẩu hồ tiêu đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt về xuất khẩu, đã thấu hiểu và thực hiện.
Cách đây hơn một thập niên, Phúc Sinh nhận được yêu cầu từ đối tác nước ngoài phải chuyển đổi xanh toàn bộ hoạt động kinh doanh mới có thể thâm nhập vào được thị trường quốc tế. Ông Thông khá bất ngờ vì câu chuyện này còn quá mới với doanh nghiệp Việt Nam, vì thời điểm đó, ông chỉ nghĩ đến việc làm sao có sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn Global GAP phục vụ thị trường xuất khẩu là đã quá khó và áp lực về tài chính.
“Sau khi nghiên cứu kỹ đề nghị đối tác, chúng tôi thấy rằng cần phải làm sớm vì nếu không sẽ mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi đã đầu tư 5 tỉ đồng chỉ trong 2 năm đầu tiên khởi sự cho các hoạt động sản xuất bền vững” – ông Thông chia sẻ.
Nguồn lực tài chính bỏ ra lớn nhưng khi thực hiện thành công chứng nhận xanh, Phúc Sinh đã nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu, và sản phẩm bán có giá cao hơn trước. Và công ty cũng chỉ mất chưa đầy hai năm, để thu hồi lại vốn. Hiệu quả lớn hơn là doanh nghiệp thương hiệu Việt này tiếp tục tăng trưởng ổn định, bền vững một cách dài hạn.
Biết cách “chiều lòng” thị trường khó tính, giờ đây Phúc Sinh đã nhận được nguồn lực tài chính từ quỹ đầu tư nước ngoài. Cụ thể, vào đầu tháng 10-2024, Quỹ Khí hậu và phát triển Hà Lan (DFCD) đã rót vốn hơn nửa triệu Euro cho Phúc Sinh để thực hiện các dự án phát triển bền vững. Trước đó, vào tháng 8, công ty này cũng đã nhận được khoản đầu tư 25 triệu USD từ Quỹ đầu tư &Green Hà Lan.
“Với các nguồn lực đầu tư quốc tế mới, chúng tôi tự tin trở thành một công ty nông nghiệp bền vững” – ông Thông nói.
Yêu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng đang thúc đẩy các nhà sản xuất và nhà cung cấp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động. Khách hàng, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, ngày càng có ý thức hơn về tác động môi trường trong các quyết định mua hàng.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT: Cần những doanh nghiệp dẫn dắt chuyển đổi xanh
Tài trợ xanh cho chuỗi cung ứng cũng là một lĩnh vực cần được quan tâm. Tài trợ xanh có thể tạo động lực tài chính cho nhà cung cấp cam kết thực hiện chính sách bền vững. Doanh nghiệp Việt đứng đầu chuỗi cung ứng thường là các tập đoàn lớn với nhiều nguồn lực hoặc khả năng tiếp cận chương trình đầu tư tốt hơn. Do vậy, họ có thể hỗ trợ các công ty nhỏ hơn (các nhà sản xuất địa phương) đối mặt với thách thức về chi phí thực hiện chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, danh tiếng của doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhà cung cấp của họ tiếp cận nguồn đầu tư xanh, như trái phiếu xanh hoặc các khoản vay phát triển bền vững.
Trong số các thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp Việt Nam, điển hình có EU, Mỹ, Nhật… đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này. Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố thắng đơn hàng khi xuất khẩu đối với doanh nghiệp Việt.
Vào tháng 8 vừa qua, Công ty Cổ phần Secoin nhận được danh hiệu Doanh nghiệp xanh TP. HCM năm 2024. Để đạt được danh hiệu này, Secoin đã thực thi chiến lược xanh trên sản phẩm gạch bông của mình. Đây là sản phẩm gạch không nung đáp ứng được giảm phát thải khí nhà kính.
Sản phẩm làm hoàn toàn bằng thủ công, nhưng đặc biệt hơn nguyên liệu cho gạch hoàn toàn tự nhiên là đá phế thải, không dùng đất sét như các loại gạch khác nên bảo vệ được đất nông nghiệp. Một đặc tính khác, khi gạch này không được sử dụng nữa, có thể chuyển sang tái chế cho nguyên liệu đầu vào sản phẩm bê tông. Tính tuần hoàn của sản phẩm rất cao nên Secoin đã xuất khẩu rất mạnh dòng gạch này.
“Chúng tôi nhận thấy sản xuất sản phẩm tuần hoàn thường tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có, giảm thiểu việc khai thác nguyên liệu mới, từ đó giảm chi phí đầu vào. Việc tái chế và tái sử dụng nguyên vật liệu giúp giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý, từ đó giảm chi phí liên quan đến xử lý chất thải. Nhờ cung cấp sản phẩm tuần hoàn giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào các thị trường khó tính, gia tăng biên độ lợi nhuận” – ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Secoin cho biết.
Chuyển mình bền vững
Xuất khẩu rất mạnh sản phẩm nha đam vào các thị trường khó tính, Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) có được thành công nhờ vào thực thi chiến lược ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để thúc đẩy phát triển bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự quan tâm ngày càng tăng đến các vấn đề xã hội và môi trường, chiến lược ESG đã trở thành một yếu tố quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp Việt. Các nhà đầu tư, khách hàng, đối tác ngoại ngày càng chú trọng đến các doanh nghiệp Việt có trách nhiệm xã hội và môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food, khi thực thi chiến lược ESG, công ty thiết kế chi tiết để đảm bảo các hoạt động giảm thiểu tác động môi trường. Các biện pháp bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, tăng hiệu quả năng lượng, và giảm thiểu quản lý chất thải và vận tải.
Tham vọng của doanh nghiệp Việt này sẽ trung hoà carbon vào năm 2030 và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ESG về nông nghiệp và thực phẩm, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
“Một khi đạt các mục tiêu trên, chúng tôi sẽ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Nguồn tiền thu được từ đây sẽ tài trợ cho nông dân, các dự án năng lượng tái tạo, trồng rừng và các hoạt động bảo vệ môi trường khác” – ông Thứ nói.
Chuẩn bị thích ứng linh hoạt khi thị trường thay đổi
Chiến lược ESG không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp trong tương lai. Việc áp dụng chiến lược ESG không chỉ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Đây là định hướng quan trọng, nhưng doanh nghiệp cần phải có sự kiên nhẫn cho hành trình đi đến đích cuối cùng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cũng cần chuẩn bị sự ứng phó linh hoạt khi thực thi chiến lược phát triển bền vững vì các nước nhập khẩu sẽ có những thay đổi chính sách buộc doanh nghiệp phải liên tục thích ứng.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT cho biết, các doanh nghiệp Việt đứng đầu chuỗi cung ứng cần tiên phong thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực sản xuất.
Theo đó, xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua hay người đứng đầu chuỗi cung ứng (supply chain leaders) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa. Họ là những doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi cung ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo sản phẩm, dịch vụ cuối cùng phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trên thế giới có thể kể đến những tên tuổi lớn như Walmart, H&M, Uniqlo, Unilever, Apple và Nestlé. Doanh nghiệp Việt Nam thì có Vinamilk, Dệt may Việt Thắng, Vinatex, Thaco,…
Ví dụ, các nhà bán lẻ quần áo lớn như H&M, Zara và Uniqlo đã bắt đầu yêu cầu các nhà cung cấp của họ tại Việt Nam sử dụng bông hữu cơ, giảm tiêu thụ nước, năng lượng và thực hiện tái chế chất thải. Điều này đã khiến các nhà sản xuất dệt may Việt Nam đầu tư mạnh hơn vào quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Những doanh nghiệp như vậy đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thông qua vai trò giám sát các quy trình xanh, cung cấp kiến thức, thông tin cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình tài chính xanh.
“Để giám sát tác động môi trường của nhà cung cấp, các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng cần thiết lập các tiêu chuẩn môi trường và xác định kỳ vọng rõ ràng về hiệu quả hoạt động môi trường đối với các nhà cung cấp, bao gồm các lĩnh vực như khí thải, chất thải, sử dụng nước, tiêu thụ năng lượng.
Người đứng đầu chuỗi cung ứng cần hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp để phát triển và triển khai các kế hoạch nhằm giải quyết các thách thức về môi trường đang gặp phải. Các bên có thể cùng tiến hành các buổi tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao kiến thức, song song với việc trau dồi năng lực quản lý môi trường” - vị chuyên gia Đại học RMIT nhận định.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển các cụm, khu công nghiệp - dịch vụ xanh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 103/CĐ-TTg (ngày 7-10) về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Theo công điện, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư, từ đó nghiên cứu một số sáng kiến mang tính đột phá để chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế xanh như: phát triển năng lượng tái tạo nhờ tận dụng lợi thế địa lý gần xích đạo, khí hậu nhiệt đới gió mùa; phát triển các cụm, khu công nghiệp - dịch vụ xanh; phát triển và sản xuất hydro, ammonia xanh có giá trị cạnh tranh. Nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, toàn diện, bền vững, nhất là các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp, đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho nhân dân.