Doanh nghiệp Việt đã lạc quan hơn nhưng vẫn còn nhiều vất vả

(PLO)-Bên cạnh nhiều công ty thắng lớn trên thị trường thì không ít đơn vị gặp các sức ép rất lớn trong kinh doanh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều công ty đã chuyển chiến lược kinh doanh để nắm bắt cơ hội và gia tăng khả năng thành công, tìm kiếm lợi nhuận.

Từ doanh thu thấp đến thua lỗ nhiều

Mới đây, Nutifood đã mua lại mảng kem từ Kido. Chiếc lược mua bán và sáp nhập (M&A) này của Nutifood nhằm mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối, có thêm sản phẩm đa dạng và biên lợi nhuận sẽ gia tăng, vì theo Euromonitor, mảng kem của Kido đang chiếm gần 47% thị phần.

Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood đánh giá, việc có thêm mảng kem sẽ gia tăng hiệu quả và sức mạnh kinh doanh cho công ty trong tương lai.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có sự lạc quan như vậy, vì nhiều trong số đó đang phải nỗ lực kinh doanh, tìm kiếm từng đơn hàng để tồn tại.

Kiểm toán gần đây đã nêu ý kiến về lo ngại hoạt động liên tục của Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) sau khi soát xét báo cáo tài chính bán niên của công ty này. Nửa đầu năm 2024, HNG đã thua lỗ hơn 360 tỉ đồng. Nếu tính theo quý, HNG đã thua lỗ 10 quý liên tiếp kể từ năm 2022.

HNG có thế mạnh trong nông nghiệp nhưng doanh thu từ trái cây không đủ bù đắp chi phí lãi vay, chưa kể, giá vốn hàng bán quá cao cũng gây áp lực lên hoạt động kinh doanh.

Sự thua lỗ kinh doanh của HNG còn nằm ở điều kỳ lạ khác. Dù sở hữu diện tích cao su lớn và đang có mức giá rất cao gần 40 triệu đồng/tấn, nhưng công ty này chỉ thu về 58 tỉ đồng trong nửa đầu năm với lý do thiếu công nhân cạo mủ.

Một ông lớn trong ngành thép là Thép Tiến Lên đã chứng kiến khoản lỗ ròng lớn trong nửa đầu năm. Thép Tiến Lên đạt doanh thu gần 3.000 tỉ đồng nhờ sản lượng bán hàng tốt, thế nhưng vẫn lỗ hơn 152 tỉ đồng. Nguyên nhân, công ty này đối diện với lỗ tỉ giá, trích lập dự phòng hàng hoá.

Ban lãnh đạo Thép Tiến Lên cũng cho biết, do cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt nên phải đầu tư mạnh vào chi phí tiếp thị và bán hàng cũng là nguyên nhân đóng góp cho việc thua lỗ kinh doanh

Rất nhiều thứ đang gây sức ép cho doanh nghiệp trong nước

Có lẽ tình cảnh không mấy sáng sủa vẫn thuộc về nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Chẳng hạn, Công ty Đua Fat (DFF), chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xử lý nền móng, thi công khoan cọc nhồi, xử lý nền đất, tường vây đã ghi nhận 4 quý lỗ liên tiếp kể từ giữa năm 2023. Nửa đầu năm 2024, với doanh thu gần 90 tỉ đồng nhưng vẫn không thể có lời do sức ép chi phí quá lớn, thậm chí giá vốn còn cao hơn doanh thu. DFF đã lỗ 135 tỉ đồng trong 2 quý đầu năm 2024.

Hay Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) cũng đã lỗ gần 70 tỉ đồng nửa đầu năm 2024. Nguyên nhân kinh doanh gặp khó vì doanh thu không đủ bù đắp giá vốn.

nhiều công ty
Nhà nước tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục thông thoáng, gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn có lãi suất hợp lý nhằm giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Một thống kê của Vietstock cho biết, hậu soát xét bán niên 2024, có gần 20 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán giảm lãi ròng, cùng với đó có hàng chục doanh nghiệp lỗ từ 1 tỉ cho đến hàng trăm tỉ đồng.

Kinh doanh của doanh nghiệp chưa nhiều cải thiện có thể được thấy qua lời mô tả của ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (Huba). Vị chủ tịch Huba có cái nhìn rất thực tế khi chỉ ra rằng, doanh nghiệp Việt có đơn hàng nhưng giá thì không tốt và vẫn trong tình trạng chạy đơn hàng từng bữa. Chưa kể các sức ép khác gây áp lực rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

“Rất nhiều thứ đang gây sức ép cho doanh nghiệp trong nước. Đơn cử, các sản phẩm Trung Quốc đến tay khách hàng rất nhanh nhờ vào công nghệ và hệ thống logistics tối ưu tốt thì công ty Việt vất vả đưa hàng hoá có giá hợp lý vì đối diện với chi phí rất cao từ bài toán logistics. Ngoài ra, nhiều công ty Việt vẫn khó tiếp cận dòng vốn có lãi suất hợp lý để tiết giảm được các chi phí đầu vào và thúc đẩy các hoạt động đầu tư” – ông Hoà nói.

Nhiều biến động

Cú chạy đà tăng tốc cho cuối năm của nhiều công ty đã bị "mất tốc" vì cơn bão Yagi.

Báo cáo mới nhất từ S&P Global cho thấy, trong tháng 9, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại sau khi đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh.

Nguyên nhân, cơn bão Yagi vừa qua đã khiến sản lượng ngành sản xuất sụt giảm đáng kể. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng được ghi nhận giảm ở mức tương tự, và nguyên nhân cũng được cho là do ảnh hưởng của bão Yagi.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế S&P Global Market Intelligence cho biết, mức độ nghiêm trọng của cơn bão Yagi đã tác động lớn đến ngành sản xuất của Việt Nam khi mưa lớn và lũ lụt gây ra việc đóng cửa kinh doanh tạm thời và sự chậm trễ của cả chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất. Cơn bão đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất.

“Tuy nhiên, tình hình nhu cầu sẽ vẫn có lợi cho tăng trưởng, và điều này có nghĩa là chúng ta có thể thấy sự bật dậy nhanh chóng của ngành sản xuất khi thời kỳ phục hồi sau bão bắt đầu. Do đó, nhiều công ty Việt vẫn lạc quan về triển vọng năm tới và đã tăng việc làm ngay cả khi khối lượng công việc giảm” - ông Andrew Harker nhận định.

Trong tầm nhìn dài hạn, Tập đoàn VinaCapital cũng lo lắng với sự suy giảm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt vì Mỹ cắt giảm lãi suất. VinaCapital cho biết, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất ở mức 0,5% khi đối mặt với lạm phát giảm. Nhưng đây cũng là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại.

Việc cắt giảm lãi suất lần này của Fed là con dao hai lưỡi đối với kinh tế Việt Nam, vì giá trị đồng đô la Mỹ giảm sẽ làm giảm áp lực mất giá lên tiền đồng, nhưng nền kinh tế Mỹ chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam.

“Xuất khẩu sang Mỹ nói riêng (tăng gần 30% trong 8 tháng đầu năm 2024) là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Vì vậy, nền kinh tế Mỹ chậm lại có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với các sản phẩm “Made in Vietnam”, như máy tính xách tay, điện thoại di động và các hàng hóa khác.

Do đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ phải dựa vào các yếu tố nội tại để bù đắp tác động của nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản là hai công cụ mạnh mẽ mà Chính phủ có thể sử dụng để tránh những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu” – VinaCapital nhận định.

Theo ông Hòa để tăng năng lực cho nhiều công ty Việt rất cần sự trợ lực từ Nhà nước, bên cạnh nỗ lực nội tại của doanh nghiệp. Nhà nước tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục thông thoáng, gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn có lãi suất hợp lý nhằm giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực phát triển kinh tế.

Tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn

Một khảo sát mới đây của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, quý cuối cùng của năm 2024, hơn 60% doanh nghiệp vẫn đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn, gần 25% cho rằng kinh doanh sẽ ổn định, và phần còn lại lo lắng kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Theo khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "tích cực" về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.

Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm