Chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10:

Doanh nghiệp Việt mạnh mẽ chuyển đổi xanh, vươn tầm quốc tế

(PLO)- Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển và đóng góp mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển đổi mới kinh tế của đất nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM (HUBA), nhìn nhận ngày Doanh nhân Việt Nam (VN) đã bước sang năm thứ 20. Với thời gian hai thập niên của một ngày để tôn vinh các doanh nhân đã có những cống hiến cho đất nước, nhiều DN Việt đã lớn mạnh, là những trụ cột quan trọng dẫn dắt sự phát triển của ngành, vươn lên tầm quốc tế, xây dựng một thương hiệu Việt vững mạnh, góp phần nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế.

11-p23-hinhbaichinh-viethoa.jpg
Thế giới đang đòi hỏi các sản phẩm có giá trị, hàm lượng khoa học công nghệ cao đòi hỏi DN phải không ngừng đổi mới công nghệ. Ảnh: QUANG HUY

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu

. Phóng viên: Từ đầu năm đến nay, ông đánh giá thế nào về sự bền bỉ hoạt động kinh doanh, sản xuất của các DN tại TP.HCM trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động?

11-p23-nguyenngochoa.jpg

+ Ông Nguyễn Ngọc Hòa (ảnh): Cộng đồng doanh nhân, DN TP.HCM luôn đối diện với hai trạng thái gồm cơ hội lẫn thách thức. Hiện tình hình kinh doanh của DN đã có những chuyển biến tích cực với sự phục hồi của đơn hàng xuất khẩu. Đây là điều rất đáng ghi nhận về những nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh thách thức để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, sinh kế cho người dân.

Tuy nhiên, đơn hàng đã có nhưng chưa thực sự khởi sắc vì nhu cầu thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và cạnh tranh gay gắt tạo ra biên lợi nhuận mỏng, mà chỉ cần đối diện với rủi ro có thể đảo chiều từ lãi thành lỗ.

Giống như một con tàu vượt qua cơn bão, các DN đã dần ổn định trở lại và bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều sóng gió. Áp lực cạnh tranh và yêu cầu về chất lượng ngày càng cao như những tảng đá ngầm sẵn sàng đe dọa hành trình của các DN.

930.000 là số DN VN đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong chín tháng đầu năm 2024 đã có hơn 183.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

. Những thách thức lớn mà DN hiện phải đối diện lúc này là gì, thưa ông?

+ Trên thương trường, sức ép luôn thường trực với DN. Các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm ngày càng khắt khe cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho DN.

Cụ thể, thời gian qua, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự thành công nhất định khi sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản là vấn đề truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để cạnh tranh với các quốc gia khác, chúng ta cần chứng minh được sản phẩm của mình có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn xây dựng hình ảnh tích cực cho nông sản VN trên thị trường quốc tế.

Các xu hướng chính hiện nay là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ giới hạn trong quản trị mà còn bao gồm việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, giúp tăng năng suất và giảm chi phí. Để thích ứng với xu hướng phát triển bền vững, các DN đang tích cực chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số là sự khác biệt về quy mô giữa các DN. Trong khi các tập đoàn lớn có đủ tài chính và nguồn lực để đầu tư vào các công nghệ hiện đại thì phần lớn DN vừa và nhỏ (SME) lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng các công nghệ này. Do đó, việc lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phải được thực hiện một cách cẩn trọng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và khả năng tài chính của từng DN.

Không ngừng đổi mới và sáng tạo

. Trong bối cảnh mới, doanh nhân cần tận dụng các lợi thế nào để mở rộng quy mô, tăng trưởng kinh doanh và nắm bắt các xu hướng mới?

+ Để phát triển, DN không thể đi theo lối kinh doanh truyền thống. Thế giới đang đòi hỏi các sản phẩm có giá trị, hàm lượng khoa học công nghệ cao, cùng với đó là các xu hướng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Chỉ bằng cách đổi mới và sáng tạo, DN mới thực sự có thể bứt phá, vươn tầm và đủ năng lực vượt qua các thách thức lớn.

Một nền tảng quan trọng cho cộng đồng DN có thể dựa vào để tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới và tạo bàn đạp tăng tốc trong tương lai đó là Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) vừa được hình thành và phát triển tại TP.HCM.

Trung tâm này sẽ đóng vai trò như một cầu nối quan trọng để hỗ trợ DN. Đặc biệt là các SME trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, bắt kịp xu thế công nghệ hiện đại.

Hiện nay việc số hóa dữ liệu trong DN chưa cao, mức độ ứng dụng các công nghệ trong tự động hóa sản xuất còn rất thấp. Phần lớn các DN hiện nay cũng chưa trang bị những kỹ năng đầy đủ cho người lao động để làm việc trong một nhà máy thông minh...

DN thường đối mặt với các thách thức trong đảm bảo nguồn tài chính để đổi mới và sáng tạo. Nhưng bằng việc liên kết với C4IR, DN có thể được hỗ trợ về tài chính và nhân lực, tư vấn công nghệ cả chiều rộng và chiều sâu.

DN được cung cấp thông tin về các công nghệ mới, giải pháp phù hợp với từng ngành nghề, quy mô DN. Ngoài ra, C4IR sẽ giúp DN đánh giá hiện trạng, xác định điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra lộ trình chuyển đổi phù hợp. Những điều này sẽ giúp DN hoạt động hiệu quả hơn trong việc vận hành và phát triển hệ thống công nghệ mới cũng như tạo ra các sản phẩm có tính sáng tạo và đặc trưng cao, giúp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Doanh nhân phải thay đổi về chất và lượng

. Bằng nỗ lực, DN Việt đã vững vàng vượt khó nhưng chắc chắn rất cần sự sát cánh của Nhà nước?

+ Chủ động thích ứng, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số đi đôi với chuyển đổi xanh là nguyên tắc quan trọng để doanh nhân giúp DN đi đến thành công. Bên cạnh đó, để DN phát triển toàn diện rất cần sự chung tay của Nhà nước.

Nhà nước đã rất quan tâm đến việc kiến tạo môi trường kinh doanh và đầu tư rất tốt cho DN thông qua chính sách, cơ chế, ưu đãi cũng như đầu tư hạ tầng mạnh mẽ để góp phần giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN.

Hiện số lượng SME rất nhiều nhưng đóng góp rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm và sự tăng trưởng GDP của nước nhà. Nhiều DN trong số này có khả năng vươn lên trở thành những con sếu đầu đàn để dẫn dắt cả chuỗi cung ứng nội địa.

Để gia tăng nguồn lực này, chúng tôi rất kỳ vọng và mong muốn Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, cơ sở dữ liệu chung để thúc đẩy lực lượng SME hơn nữa, đồng thời xây dựng các chiến lược dài hạn, định hướng rõ ràng sẽ giúp SME có thể chủ động thích ứng và phát triển.

. Trong bối cảnh đất nước còn đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, ông kỳ vọng gì vào đội ngũ doanh nhân Việt?

+ Doanh nhân Việt đã thể hiện tinh thần mạnh mẽ và ý chí vươn lên, tự lực, tự cường để chèo lái con thuyền vượt sóng gió. 20 năm qua, thế giới có nhiều thay đổi, cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, đòi hỏi doanh nhân phải thay đổi về chất và lượng.

Những doanh nhân tiếp tục phát triển, đầu tư mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng của kinh tế đất nước thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, rất đáng tự hào và trân trọng. Tôi kỳ vọng đội ngũ doanh nhân tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự thịnh vượng của đất nước.

. Xin cảm ơn ông.•

HUBA tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền

Ở góc độ Hiệp hội DN, chúng tôi sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa DN và các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN.

Chúng tôi không chỉ kiến nghị các chính sách mới mà còn phối hợp với các đối tác hỗ trợ tư vấn cho DN hội viên; đẩy mạnh liên kết DN, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh cũng như triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN.

HUBA sẽ thường xuyên thực hiện các chương trình đồng hành với DN để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ DN phát triển, vượt qua khó khăn, chủ động đón bắt cơ hội mới, xu thế mới.

Bà LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM:

11-p23-lykimchi.jpg

Cần nguồn lực tài chính để DN xanh hóa

DN ngành thực phẩm đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Đến nay, các DN xuất khẩu đã có đơn hàng đến hết năm. Để vượt qua giai đoạn khó khăn như vậy, đội ngũ doanh nhân không chỉ nỗ lực mà còn đổi mới sáng tạo, chủ động thích ứng trong sản xuất, kinh doanh.

DN ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, áp dụng công nghệ hiện đại và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các loại nguyên liệu, hương liệu, gia vị mới lạ sẽ giúp ngành bắt kịp xu hướng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, dù biết rằng chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc nhưng nhiều DN chưa biết phải bắt đầu xanh từ đâu hoặc biết nhưng lại không có đủ tài chính để triển khai thực hiện nên DN e ngại khi đầu tư xanh. Trong khi đó, hiện chỉ có vài ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn để DN chuyển đổi xanh còn khá ít trong khi nhu cầu quá nhiều. Do đó, kiến nghị Chính phủ khuyến khích tất cả ngân hàng đều hỗ trợ hoạt động chuyển đổi xanh, có lãi suất ổn định.

TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách

tài chính, tiền tệ quốc gia:

11-p23-canvanluc.jpg

Cần quỹ đầu tư mạo hiểm xanh

Để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn, Nhà nước cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, DN cần các chính sách hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh...) cho các sản phẩm, dịch vụ, tiêu dùng xanh.

Cần thành lập quỹ chuyển đổi xanh hay quỹ đầu tư mạo hiểm môi trường để thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư xanh. Xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh như công cụ thị trường vốn, nền tảng nhà đầu tư, hệ sinh thái các tổ chức phát hành, văn hóa quản trị nội bộ rủi ro môi trường trong tổ chức và hạ tầng thông tin. Cùng với đó là cần nguồn lực tài chính đầu tư vào năm lĩnh vực ưu tiên về nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi xanh; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn từ phân phối đến tiêu dùng; phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển.

Ông PHẠM HẢI TÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN:

11-p23-phamhaitung.jpg

Tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ DN vừa

Lực lượng DN nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số DN cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu ngân sách nhà nước và 60% lao động. Tuy nhiên, đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối DN lớn và DN nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng DN vừa.

Hiện có khoảng 30.000 DN vừa, chiếm 4% nhưng con số này không nhỏ. Đây là các DN có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành DN lớn và có hoạt động sản xuất, kinh doanh khá chuyên nghiệp. Để gia tăng số lượng đàn sếu của nền kinh tế và kéo theo lực lượng DN nhỏ và siêu nhỏ đi lên, hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ DN vừa.

Cần thúc đẩy DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo xanh bằng các giải pháp đồng bộ từ chính sách chung đến cụ thể về tài chính như chi ngân sách nhà nước, hỗ trợ thuế, phí cho các hoạt động đổi mới sáng tạo xanh, thúc đẩy tiêu dùng theo hướng xanh, hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài trợ… Bên cạnh vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy các DN thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, cũng cần quan tâm huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm