Trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2024 diễn ra từ 26 đến 29-9, Sở Công thương TP.HCM tổ chức sơ kết sáu tháng triển khai chương trình “Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa- Tick xanh trách nhiệm (tick xanh)”.
Hướng đến sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững
Chương trình được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ tháng 3, hướng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường với sự tham gia tự nguyện, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng.
Qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu. Góp phần đổi mới phương thức thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo đó, tám tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam gồm Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, Aeon, Central Retail, Wincomerce, Bách Hóa Xanh, Kingfood Market đã ký kết thỏa thuận hợp tác tham gia chương trình.
Nhiều nhà bán lẻ cho biết chương trình chưa được truyền thông sâu rộng nên chưa thu hút nhiều nhà cung cấp (NCC) tham gia. Song song đó, việc dán tick xanh lên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng (NTD) dễ nhận diện cần có lộ trình, đơn vị nào giám sát tick xanh ….
Bà Võ Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Phòng Quản lý chất lượng Saigon Co.op cho biết, qua sáu tháng triển khai chương trình "Tick xanh trách nhiệm" nhận thấy một số khó khăn. Trong đó, chúng tôi mong muốn các sở ngành địa phương hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất, NCC bằng cách tăng cường quản lý tại nguồn.
“Chúng ta quản lý xuyên suốt từ nguồn cung cấp vật tư nông nghiệp, quá trình sản xuất và phân phối tận tay NTD. Làm sao để sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, hạn chế giám sát qua nhiều công đoạn gây lãng phí xã hội”- bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, bên cạnh 23 nhà cung cấp đã tham gia chương trình tick xanh, để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của nhà sản xuất, Saigon Co.op đã vận động NCC tiếp tục tham gia thông qua chương trình riêng của đơn vị “Quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm”.
Theo đó, giai đoạn một đơn vị đã kí kết với 17 NCC ở sáu tỉnh thành và tiến tới phát triển hơn nữa các NCC trên cả nước vào giai đoạn 2, 3 (năm 2025).
Trong khi đó, ông Vũ Dương Quân, Trưởng Ban Quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết, ngay sau khi tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm", Satra làm việc gửi thông báo để NCC biết về chương trình, có 65% NCC có phản hồi hưởng ứng.
Theo ông Quân, Satra đã tạo điều kiện cho các NCC tham gia chương trình tick xanh một khu vực trưng bày trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tổ chức các buổi dùng thử sản phẩm.
Satra cũng quảng bá các sản phẩm tick xanh lên ấn phẩm khuyến mãi định kỳ. Qua thử nghiệm cho thấy sản phẩm của DN tick xanh đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Chúng tôi tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Tương tự, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing MM Mega Market Việt Nam cho biết, theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar mối quan tâm lo lắng hàng đầu của NTD Việt khi mua sắm là vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Năm ngoái tỉ lệ này 45% nhưng năm nay tăng lên 55%.
Vì vậy, chương trình tick xanh của TP.HCM rất ý nghĩa. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu quả giám sát chất lượng hàng hóa đồng bộ các nhà cung cấp ở tất cả hệ thống bán lẻ và quản lý nội bộ tốt hơn.
Nhiều nhà cung cấp chưa biết về chương trình tick xanh
Ông Quân cho rằng dù Satra dành các vị trí trưng bày riêng nhưng do số lượng DN tham gia chương trình tick xanh chưa nhiều nên mức độ nhận biết vẫn chưa cao.
“Chúng tôi mong ngành công thương truyền thông mạnh mẽ hơn để NTD nhận biết sản phẩm tick xanh để chương trình lan tỏa rộng rãi hiệu quả hơn”- bà Thủy nói.
Theo ông Khôi, qua sáu tháng triển khai chương trình tick xanh, 80% NCC tại TP.HCM biết về chương trình, nhưng khi triển khai tới một số tỉnh thành các NCC vẫn chưa biết.
Vì vậy, để khuyến khích NCC các tỉnh khuyến khích tham gia chương trình cần cho họ thấy sự khác biệt.
Theo đó, MM Mega Market thí điểm chuyển hướng tiếp cận các NCC mới vận động họ tham gia. Sau khi kí kết với MM những NCC mới này khi chào hàng ở các hệ thống khác cũng rất dễ dàng.
“Hy vọng chương trình này tạo ra lợi ích thiết thực để các NCC đồng lòng tham gia”- ông Khôi nói.
Cùng nhìn nhận trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, chương trình tick xanh làm thay đổi thái độ, trách nhiệm của các chủ thể tham gia, giúp cho cả chuỗi cung ứng tốt hơn.
Theo ông Phương, lộ trình tới đây hướng tới tất cả hàng hóa đưa vào hệ thống bán lẻ đều có logo tick xanh
Trong đó, NCC tự giác, nâng cao trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, phát hiện và tự nguyện chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến NTD.
Đây là hành động trách nhiệm, được NTD, siêu thị tín nhiệm, đánh giá cao được gắn “Tick xanh trách nhiệm”.
Người tiêu dùng được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này cần chung tay giám sát, ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, ưu tiên chọn sản phẩm tick xanh. Quản lý Nhà nước hỗ trợ các bên kiểm soát chất lượng hàng hóa, phát huy các giải pháp phòng ngừa chủ động.
“Sự đồng lòng của các bên góp phần kiến tạo một hành lang kiểm soát chất lượng, ATTP, cải thiện uy tín hàng Việt ở thị trường quốc tế”- ông Phương nói.
Chế tài không thực hiện đúng "tick xanh trách nhiệm"
Thỏa thuận chương trình tick xanh quy định nếu một siêu thị phát hiện sản phẩm vi phạm chất lượng sẽ thông báo đến các siêu thị còn lại.
Trong vòng 24 tiếng kể từ khi phát hiện và thu thập đủ thông tin về sản phẩm không an toàn, bên phát hiện tạm dừng kinh doanh để rà soát lại toàn bộ quy trình đồng thời gửi thông tin cho Sở Công thương….
Nếu NCC cố ý và vi phạm nhiều lần có thể bị ngừng hợp đồng. Chương trình áp dụng cho nhóm trái cây rau củ quả, thịt heo, thịt gà.