Chiều 22-3, Sở Công thương TP.HCM có buổi làm việc cùng Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng nhằm trao đổi hoạt động cung ứng các mặt hàng nông sản Lâm Đồng vào thị trường TP.HCM; đề xuất hỗ trợ, phối hợp triển khai chương trình bình ổn thị trường, hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.
Không cam kết chất lượng với siêu thị, nhà cung cấp bị thu hẹp thị phần
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết mới đây TP.HCM đã triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn.
Theo đó, sáu hệ thống phân phối lớn gồm Saigon Co.op, Satra, Aeon, Central Retail, MM Mega Market và Bách Hóa Xanh đã ký kết tham gia nhằm phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống, cùng hành động, ngăn chặn thực phẩm không an toàn được đưa vào các siêu thị trên địa bàn TP.
Chương trình đang áp dụng cho nhóm trái cây gồm xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng và dưa lưới. Nhóm rau củ quả gồm xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường và thịt heo, thịt gà.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP.HCM), thỏa thuận các siêu thị đặt ra gồm ba giai đoạn.
Trong đó, ở giai đoạn hai, nếu một siêu thị phát hiện sản phẩm nào đó vi phạm ATTP sẽ thông báo đến các siêu thị còn lại. Trong vòng 24 tiếng những siêu thị này tạm dừng kinh doanh để rà soát lại toàn bộ quy trình. Nếu nhà cung cấp (NCC) cố ý và vi phạm nhiều lần có thể bị ngừng hợp đồng. Thời điểm này, một số siêu thị đã tái ký hợp đồng với NCC bao gồm cam kết này.
“Sắp tới một đơn vị nữa sẽ đăng ký tham gia. Những hệ thống này chiếm 70% thị phần kênh bán lẻ hiện đại của TP.HCM cũng như cả nước. Nếu NCC không tự tin chất lượng, không cam kết với siêu thị thì thị phần sẽ thu hẹp. Do đó, buộc NCC tự kiểm soát quy trình chất lượng…” - ông Hùng nói.
Siêu thị cần đồng nhất tiêu chuẩn, giá cả hợp lý
Ông Phan Quốc Hoàng, đại diện Công ty TNHH Rau sạch Thảo Nguyên Xanh, cho biết đang cung cấp cho Saigon Co.op, SatraFoods và sẵn sàng kí cam kết với siêu thị.
Tuy nhiên, tại Đà Lạt khi giao mùa, rau củ dễ bị ảnh hưởng nên khó kiểm soát ATTP.
Bên cạnh đó, chủ trương của địa phương sắp tới rau quả không trồng trong nhà kính trong nội ô vì gây ảnh hưởng môi trường và khí hậu. Với phương pháp canh tác ngoài trời sẽ ảnh hưởng chất lượng sản phẩm nên đây là thách thức cho các DN.
Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Nam Thảo Nguyên bày tỏ rất vui khi các hệ thống siêu thị cùng đưa ra chương trình này. Đồng thời, góp ý cần có logo nhận diện của nhóm hàng để tạo động lực cho DN sản xuất chân chính.
Bên cạnh đó, DN đã đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao nhưng siêu thị lại đặt hàng không ổn định. Vì vậy, cần có sự cam kết thu mua ổn định để NCC yên tâm sản xuất.
Phó Tổng giám đốc công ty VietFarm Phạm Quốc Huy cho biết các sản phẩm VietFarm đang đáp ứng tiêu chuẩn của EU, VietGap, GlobalGAp. Khi xuất khẩu sang EU hay Hàn Quốc công ty phải kiểm tra mẫu, giá 5-6 triệu đồng/mẫu, tương đương 20 triệu đồng/tuần. Tuy nhiên, tùy phân khúc khách hàng, tiêu chuẩn của từng siêu thị, nếu siêu thị đưa ra tiêu chí thấp hơn so với các tiêu chuẩn NCC đã đạt được sẽ ảnh hưởng về giá cả, NCC bị thiệt thòi.
“Đáng chú ý, hiện nay các siêu thị yêu cầu NCC hàng tháng gửi báo giá (đấu giá) nên NCC cam kết tuân thủ thì chi phí kiểm soát cao, dẫn tới khó cạnh tranh giá với các đơn vị không tham gia cam kết” - ông Huy nói.
Theo bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Lâm Đồng cần nhìn nhận mối quan hệ NCC và siêu thị là cộng sinh.
Do đó, để cuộc chơi giữa NCC và siêu thị công bằng, minh bạch cần có sự tham gia của cơ quan nhà nước. Đồng thời, để bảo vệ nhà sản xuất địa phương, tránh trường hợp DN đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng ATTP nhưng vì giá cả mà siêu thị chọn NCC khác.
Ông Phương đồng tình với ý kiến góp ý của sở ngành, DN tỉnh Lâm Đồng. Tuần tới, Sở Công thương TP.HCM sẽ xúc tiến triển khai các thủ tục để thành lập Hội bán lẻ TP.HCM, qua đó thống nhất với nhau trong tất cả các tiêu chí. Lúc đó, các NCC cũng thuận lợi trong kinh doanh đàm phán với siêu thị.
“Những DN mạnh dạn cam kết, sở có trách nhiệm kết nối và có kiểm tra kiểm soát nên DN không phải lo lắng” - ông Phương nói.
Bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, thông tin hiện nay 60-70% sản lượng rau của tỉnh được tiêu thụ tại TP.HCM.
Hầu như Lâm Đồng không còn tình trạng người dân sản xuất tự phát nên việc kiểm soát chất lượng của cơ quan chức năng không quá khó khăn.
Bà Thanh đánh giá cao Sở Công thương TP.HCM thông tin chương trình này và đề nghị cần có văn bản chính thức. Trên cơ sở đó, các sở ngành của tỉnh thông báo chính thức đến DN.
“Chắc chắn DN Lâm Đồng thực hiện được, vấn đề còn lại là yêu cầu của thị trường và giá cả” - bà Thanh nói.