Hàng hóa 'có vấn đề' sẽ bị loại khỏi siêu thị

(PLO)- Mới đây, sáu hệ thống siêu thị chiếm trên 50% thị phần hệ thống bán lẻ hiện đại của TP đã “bắt tay” hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa vào siêu thị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững nâng cao chất lượng hàng Việt Nam vừa diễn ra, sáu hệ thống bán lẻ gồm Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon Việt Nam và Satra đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM.

Sẽ siết chất lượng hàng hóa đầu vào

Thỏa thuận quy định nếu một nhà phân phối phát hiện sản phẩm vi phạm chất lượng thì các siêu thị sẽ ngồi lại cùng đánh giá, kết luận chất lượng sản phẩm có đủ điều kiện phục vụ khách hàng trong hệ thống hay không.

Theo đó, trong vòng 24 tiếng kể từ khi phát hiện và thu thập đủ thông tin về sản phẩm không an toàn, bên phát hiện phải gửi thông tin cho Sở Công Thương, cơ quan này sẽ tiếp tục thông tin đến hệ thống phân phối khác về tên nhà cung cấp, thông tin sản phẩm.

Hàng hóa
Đối với các bên tham gia thỏa thuận, những sản phẩm không an toàn sẽ bị kiểm tra, tạm dừng nhập hàng. Ảnh: T.UYÊN

Ông Ngô Hùng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trước đây mỗi hệ thống phân phối đều có quy trình kiểm tra chất lượng hàng hóa riêng.

Như Saigon Co.op, hệ thống quản lý chất lượng hàng hóa qua ba tầng nấc khác nhau: Trước tiên là bước kiểm soát tại nguồn. Tiếp đến là hệ thống trung tâm kiểm soát chất lượng tại bốn trung tâm phân phối trên cả nước và cuối cùng là quy trình kiểm soát chất lượng ở các siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Cứ sản phẩm vi phạm ở khâu nào sẽ bị trả về nhà cung cấp hoặc tạm ngưng cung cấp trong một thời hạn nhất định chờ khắc phục.

“Bây giờ với sự liên kết chung của các nhà bán lẻ, nếu sản phẩm vi phạm quy định về tiêu chuẩn chất lượng thì không riêng Saigon Co.op mà các hệ thống khác sẽ đồng loạt rút hàng khỏi kệ siêu thị” - ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết.

Về cơ sở của bộ tiêu chí mà sáu hệ thống siêu thị dùng để đánh giá chất lượng hàng hóa, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing Công ty MM Mega Market Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi đã ngồi lại với nhau và công khai các tiêu chuẩn của mình. Qua đánh giá có 85% tiêu chuẩn của các siêu thị giống nhau, chỉ có 15% khác nhau tùy ngành hàng.

H2. JPG.jpg
Nhà cung cấp rất mong hoạt động đảm bảo tính minh bạch, chính xác vì thông tin ảnh hưởng rất lớn đến uy tín thương hiệu và doanh thu. Ảnh: T.UYÊN

Cuối tháng 3, các siêu thị phối hợp cùng Sở An toàn thực phẩm, Sở Công Thương thống nhất và ban hành bộ quy tắc chung chất lượng hàng hóa dựa trên việc xem xét và điều chỉnh sự khác biệt này”.

Nhà cung cấp nửa mừng nửa lo

Về phía nhà cung cấp, một trong những đối tượng chính của thỏa thuận, có những ý kiến e ngại uy tín thương hiệu cũng như doanh thu có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu thông tin vi phạm có sai sót hoặc thời điểm công bố vi phạm không phù hợp.

“Thông tin về sản phẩm vi phạm, không đạt chuẩn được siêu thị, sở, ngành công bố cần phải đảm bảo tính chính xác tuyệt đối, khách quan, đầy đủ vì nó quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp, nhà cung cấp” - đại diện một doanh nghiệp nhấn mạnh.

Về mục tiêu, mong muốn của hoạt động đánh giá sản phẩm hàng hóa có vấn đề, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về tiêu chí đảm bảo phát huy thế mạnh của hàng Việt và mong muốn các tiêu chuẩn này trở thành tiêu chuẩn quốc gia của hàng Việt”.

Tương tự, ông Đinh Quang Khôi, đại diện Công ty MM Mega Market Việt Nam, chia sẻ: “Đây là điều mong chờ, là mục tiêu quan trọng của các nhà bán lẻ đặt ra cho các nhà cung cấp. Chúng tôi cũng đã đề xuất với các cơ quan quản lý nhằm tạo ra chuỗi cung ứng bền vững, kỳ vọng mang lại giá trị cho người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu hàng hóa sản phẩm Việt Nam.

Chúng tôi cùng đồng thời bắt tay để quản lý chất lượng hàng hóa đồng bộ ở các hệ thống phân phối. Ví dụ nhà cung cấp đã đạt chuẩn ở siêu thị A mặc nhiên có thể bán hàng cho hệ thống phân phối B và ngược lại nếu vi phạm thì không được bán hàng vào các hệ thống phân phối còn lại”.

Là đơn vị đang cung ứng các loại rau gia vị cho một số hệ thống siêu thị, đại diện Hợp tác xã rau an toàn Việt (Long An) cho biết sự bắt tay này tốt cho người tiêu dùng, những nhà cung cấp làm ăn nghiêm chỉnh sẽ rất hoan nghênh. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng tùy trường hợp, lỗi vi phạm, mức độ vi phạm và chế tài phù hợp là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của sự kết hợp này.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Hà, đại diện Hợp tác xã Vũ Hưng Trường (TP.HCM), nhìn nhận đây là hoạt động tích cực nhưng việc sáu hệ thống phân phối lớn đánh giá chất lượng hàng hóa là vấn đề rất hệ trọng với nhà cung cấp.

Việc bị xếp loại hàng hóa không đạt chuẩn có thể khiến doanh nghiệp phá sản. Do đó, nhà cung cấp rất mong hoạt động đảm bảo tính minh bạch, chính xác.

Về việc đảm bảo tính công bằng, hợp lý và hiệu quả của quá trình đánh giá chất lượng sản phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng: Trước khi chia sẻ các kết quả vi phạm của nhà cung cấp và áp dụng chế tài theo thỏa thuận, các bên liên quan cần được xem xét cẩn thận, khách quan, thậm chí nên có đánh giá và kết luận từ cơ quan có chuyên môn để tránh những trường hợp làm oan khiến nhà cung cấp gặp rủi ro lớn.

Từ phía nhà quản lý, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nêu quan điểm: “Nếu không có chế tài chặt chẽ sẽ khó đạt hiệu quả nâng cao trách nhiệm của chủ thể tham gia. Với kinh nghiệm của nhà phân phối hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng, định hướng sản xuất để từ đó hình thành chuỗi cung ứng bền vững, đây là giải pháp khả thi giúp hoạt động sản xuất đi đúng hướng.

Qua đó, thúc đẩy doanh nghiệp, nhà cung cấp nâng cao quy trình sản xuất chất lượng hàng hóa, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, góp phần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm