Chuột cắn hoại tử chân cụ bà

(PLO)- Cách ngày vào viện một tháng, cụ bà bị chuột cắn vào mu bàn chân nhưng không xử trí.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-10, BS.CKI Nguyễn Thị Thanh Lý – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết vừa tiếp nhận cụ bà VTL (70 tuổi, ngụ TP Việt Trì, Phú Thọ) bị viêm mô mềm/bệnh Sodoku do chuột cắn.

Cách ngày vào viện một tháng, cụ L bị chuột cắn vào mu bàn chân nhưng không xử trí vết thương. Năm ngày trước khi vào viện, cụ sốt cao, sưng đau nhức mu chân phải, đi lại hạn chế.

Cụ đến BV khám với triệu chứng sốt cao, sưng tấy lan tỏa toàn bộ mu chân lên cổ chân, tại trung tâm vết cắn đang có dấu hiệu hoại tử ướt.

Cụ L được chỉ định nhập viện điều trị. Qua hội chẩn chuyên môn các BS chẩn đoán: Viêm mô mềm/Bệnh Sodoku do chuột cắn. Cụ được điều trị đặc hiệu với kháng sinh Doxycyclin 100 mg x 4 viên / ngày, giảm phù nề, giảm đau.

Sau 10 ngày điều trị cụ đã khỏi hoàn toàn và được xuất viện.

Hình ảnh khi người bệnh vào viện sưng tấy lan tỏa toàn bộ mu chân lên cổ chân, tại trung tâm vết cắn đang có dấu hiệu hoại tử ướt và kết quả sau 5 ngày điều trị, giảm sưng nề, viêm tấy mu chân. Ảnh: BV

Hình ảnh khi người bệnh vào viện sưng tấy lan tỏa toàn bộ mu chân lên cổ chân, tại trung tâm vết cắn đang có dấu hiệu hoại tử ướt và kết quả sau 5 ngày điều trị, giảm sưng nề, viêm tấy mu chân. Ảnh: BV

Theo BS Lý, bệnh sốt do bị chuột cắn là một bệnh khá hiếm gặp, được biết đến bởi tính chất đặc trưng theo từng vùng khác nhau trên thế giới. Phần lớn người bệnh có biểu hiện các triệu chứng mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với các thuốc kháng sinh thông thường, nhưng nó có thể dẫn đến những biến chứng nặng với tỷ lệ tử vong khoảng 13% nếu như không được điều trị.

Nhiều trường hợp người bệnh không rõ về tiền sử bị chuột cắn và có các biểu hiện triệu chứng như: sốt, nổi ban, viêm khớp thường dễ bị nhầm với các bệnh khác.

Biến chứng bệnh sốt chuột cắn phổ biến nhất là nhiễm khuẩn huyết. Các biến chứng nghiêm trọng khác gồm có viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, viêm phổi, áp xe khu trú, viêm khớp nhiễm trùng, viêm xương khớp mạn.

Do bệnh được lây trực tiếp qua các vết cắn hoặc vết cào, hoặc gián tiếp thông qua tiếp xúc, hoặc ăn các thức ăn có lẫn nước tiểu của chuột chứa mầm bệnh, vì vậy người dân tăng cường bác biện pháp diệt chuột, vệ sinh khu nhà ở, khu dân cư sạch, thoáng nhằm loại bỏ nơi trú ẩn của chuột, không nên nuôi chuột, không ăn các thức ăn, đồ uống nghi ngờ có sự tiếp xúc của chuột.

Khi bị chuột cắn cần đến khám, tư vấn của bác sỹ để xử lý vết cắn đúng và được kê đơn thuốc điều trị ban đầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm