Chụp ảnh để "bêu" người xả rác

Một trong những nội dung thực hiện nếp sống văn minh đô thị năm 2009 của TP.HCM là xây dựng mô hình khu phố (KP) không rác. Trong số 25 KP của năm quận trung tâm (1, 3, 4, 5, 10) được chọn làm mô hình điểm, đã có một số KP chọn được cách làm riêng phù hợp với thực tế địa bàn là dựa vào các nhóm tự quản tại khu dân cư.

Tự phân công người phụ trách

KP1 (phường 9, quận 10) có một điểm nóng về vệ sinh môi trường và trật tự đô thị nằm đối diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (đường Lý Thái Tổ). Ở đây có nhiều cửa hàng phục vụ người nhà bệnh nhân, hàng rong và xe ôm cũng tập trung rất đông càng khiến cho khu vực trở nên phức tạp.

Từ khi được chọn làm điểm xây dựng KP không rác, khu vực này được đưa vào “tầm ngắm” của ban điều hành KP. Ông Nguyễn Hữu Thừa, trưởng ban điều hành KP1, cho biết: “Chúng tôi thành lập đội tự quản trước Bệnh viện Nhi đồng 1, chủ yếu là lực lượng xe ôm và những người bán hàng với khoảng 20 người. Họ có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, ngăn chặn kẻ gian cướp giật, móc túi, đồng thời nhắc nhở những người bán hàng rong giữ gìn vệ sinh, không để rác tập kết dưới lòng đường. Mỗi khi có rác họ phải phân công người tự quét. Quyền lợi của những người trong nhóm tự quản là được bán hàng và hành nghề xe ôm tại khu vực đó và không được cho thêm người tham gia vào đội hình buôn bán hay chạy xe ôm ở đó”.

Ông Thừa cũng chia sẻ: “Lúc người dân khó khăn mà KP có mặt để giúp đỡ thì vận động gì họ mới nghe. Tuyên truyền cho người dân phải vừa động viên, vừa đánh vào lòng tự ái của mỗi người. Mình phải làm sao để họ thấy họ tự hào khi sống ở một con hẻm sạch sẽ, văn minh... Xây dựng KP không rác là một câu chuyện dài, nếu lơ là chút là người ta lại y như cũ, vì tạo một thói quen mới không phải dễ”.

“Cánh tay nối dài” của tổ dân phố

KP2 (phường 11, quận 10) cũng vừa triển khai vận dụng 27 nhóm tự quản vào việc phối hợp với tổ dân phố thực hiện xây dựng KP không rác. Mỗi nhóm có hai người quản lý từ 10 đến 15 hộ dân.

Theo bà Cao Thị Hải (trưởng ban chỉ đạo xây dựng nếp sống văn minh đô thị KP2), trước đây nhóm tự quản chủ yếu làm nhiệm vụ thông tin các hoạt động từ tổ dân phố đến các hộ dân và nhắc nhở người dân giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Khi có chủ trương thực hiện KP không rác, nhóm tự quản được “trưng dụng” liền.

“Thời gian tới, 27 nhóm tự quản sẽ được mời họp để thống nhất hình thức hoạt động là nhắc nhở người dân về giờ lấy rác, quét rác trước nhà phải dùng đồ hốt rác chứ không được hất thẳng ra đường, hẻm. Để khuyến khích tinh thần tự nguyện của nhóm tự quản thì vào dịp lễ, Tết, KP đều trích một phần kinh phí hoạt động của mình để mua quà tặng họ, gọi là một chút quà thể hiện sự quan tâm chứ KP cũng không có nhiều” - bà Hải cho hay.

Cũng theo bà Hải, để người dân thực hiện tốt KP không rác, KP sẽ tuyên truyền theo từng nhóm: Người buôn bán ngoài mặt tiền đường, người từ nơi khác tới thuê mặt bằng. Người trong hẻm được vận động buôn bán giữ vệ sinh và sắp xếp gọn gàng chứ không thể yêu cầu họ dẹp vì đó là cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, để thực hiện KP không rác, không chỉ người dân thực hiện là đủ mà còn nhiều lực lượng khác nữa, trong đó có lực lượng quét dọn vệ sinh và thu gom rác. Theo phản ánh của cả hai KP thì giờ lấy rác của hai lực lượng công lập và dân lập chéo nhau nên người dân bỏ rác trước nhà vẫn còn. “Tôi nghĩ nên xem lại giờ thu gom rác thế nào để đảm bảo nhà nào cũng có thể bỏ rác đúng giờ” - bà Hải nói.

Trang bị máy ảnh kỹ thuật số

Ông Nguyễn Mạnh Cường (trưởng ban điều hành KP1, phường 10, quận 5) cho biết: KP đã xuất kinh phí để trang bị một máy ảnh kỹ thuật số. Hằng ngày, máy được trao cho tổ bảo vệ dân phố đi tuần tra và chụp ảnh để ghi nhận những hình ảnh đẹp và xấu của người dân KP trong việc giữ gìn vệ sinh để rút kinh nghiệm. Biện pháp này rất có hiệu quả và hầu hết người dân trong KP đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm