Chuyện cảm động ở nghĩa trang 'cá ông'

(PLO)- Khi bắt gặp cá ông chết trên biển, ngư dân làng biển Cửa Hội (Nghệ An) mang về làm lễ an táng, để tang như người thân trong nhà mất.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngư dân miền biển Cửa Hội (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) bao đời nay luôn biết ơn cứu mạng của một thầy thuốc khi dịch tả hoành hành và cá ông (cá voi) lúc đi biển. Khi bắt gặp cá ông chết trên biển, họ mang về làm lễ an táng, để tang như người thân trong nhà.

Thờ vị thần y bí ẩn từng cứu cả làng qua đại dịch

Nghĩa trang cá ông được lập trong khuôn viên đền Làng Hiếu - gần sông Lam đổ ra biển Cửa Hội (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh). Trong khuôn viên đó có nghĩa trang cá ông. Nơi đây yên tĩnh, khác với không khí nhộn nhịp của thị xã biển Cửa Lò, đền Làng Hiếu.

Trước lúc ra khơi, các ngư dân thường đến nơi linh thiêng thắp hương, cầu xin chuyến đi biển an toàn và cá, tôm đầy thuyền. Mùa du lịch, du khách thập phương cũng tìm đến đền Làng Hiếu và nghĩa trang cá ông thắp hương.

Theo các cụ cao niên ở vùng biển Cửa Hội, nghĩa trang cá ông và đền Làng Hiếu là nơi để dân làng thể hiện lòng biết ơn bao đời nay. Ngôi đền cổ kính Làng Hiếu có bề dày lịch sử 350 năm. Đến nay nơi đây vẫn giữ được sáu đạo sắc phong của vua Lê Hiến Tông và nhiều đồ tế khí, tượng pháp xưa.

P12_ca ong_h1 (1).jpg
Ông Võ Văn Hạ, người trông coi đền Làng Hiếu và nghĩa trang cá ông, thường xuyên tới lui thăm viếng, chăm sóc nơi đây. Ảnh: ĐẮC LAM

Bao đời nay ngư dân vẫn lưu truyền một huyền tích kể lại câu chuyện một vị “thần y” bí ẩn cứu dân khi dịch bệnh hoành hành. Vào năm Nhâm Dần 1782, vùng đất Cửa Hội xuất hiện đại dịch tả hoành hành. Lúc đó nhiều người đã tử vong vì đại dịch, các thầy lang trong vùng đều bất lực. Bỗng có một thầy lang đi qua, vào bốc thuốc chữa trị dịch tả, cứu sống nhân dân. Cả làng hết dịch một cách thần kỳ thì vị “thần y” bí ẩn ra đi, không để lại danh tính.

Để tưởng nhớ công lao trời biển của vị ân nhân này, người dân đã tôn vị thầy lang đó là Bản cảnh Thành hoàng và dựng đền Làng Hiếu để thờ phụng.

Trải qua bao mưa bom bão đạn trong chiến tranh, đền Làng Hiếu bị tàn phá nặng nề. Năm 2012, đền được phục dựng, tôn tạo trên nền đất cũ.

P132_ca ong_h2.jpg
Khu an táng cá ông ở Cửa Hội (thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Ảnh: ĐẮC LAM

Năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định công nhận đền Làng Hiếu là di tích lịch sử.

Tục lễ chịu tang và nghĩa trang cá ông

Trong khuôn viên di tích đền có khu mộ cá ông với 87 ngôi mộ, thể hiện tín ngưỡng văn hóa tâm linh đặc sắc của ngư dân vùng biển miền Trung nói chung và ngư dân Cửa Lò nói riêng. Ngư dân thường gọi ông là ông Nam Hải, ông lụy.

P12_ca ong_h3_Tieu diem.jpg
Ngư dân Nguyễn Văn Lộc.

Thuyền của gia đình tôi từng hai lần được cá ông giúp. Vào năm 1989 và năm 1994, thuyền đánh cá của tôi bắt gặp hai con cá ông chết, trôi dạt trên biển. Tôi đã hai lần cùng các ngư dân mang xác cá ông về làm lễ an táng rồi lập bàn thờ, làm lễ giỗ, thờ phụng như người thân trong nhà mất. Mỗi năm, đến ngày giỗ (ngày phát hiện và chôn cất cá), tôi làm mâm cỗ cúng và mời anh em, bạn bè, hàng xóm cùng đến ăn cỗ.

Ngư dân NGUYỄN VĂN LỘC

Ông Võ Văn Hạ, người trông coi đền Làng Hiếu và nghĩa trang cá ông, cho biết: “Người làng biển tôn sùng về cá ông - giúp đỡ ngư dân đi biển trong lúc hoạn nạn. Chúng tôi gọi cá ông là thần Nam Hải, luôn bảo vệ, giúp đỡ người dân trước muôn ngàn sóng gió”.

Tập tục độc đáo chôn cất và thờ tự cá ông đến nay vẫn được ngư dân vùng đất Cửa Hội lưu giữ. Theo tục lệ của ngư dân đi biển, những ai phát hiện xác cá ông thì người đó có bổn phận mang về bờ, làm lễ chôn cất và để tang như để tang chính người thân trong nhà mất.

Ngư dân đầu tiên phát hiện xác cá ông thì gọi là trưởng nam của đám tang cá. Toàn bộ nghi lễ an táng cá liên quan đều phải được thực hiện dưới quy mô của làng vạn chài. Khi đưa xác cá về vùng Cửa Hội thì tắm rửa, khâm liệm cá bằng vải đỏ, xây mộ, cúng tế, chăm sóc mộ bên bờ sông Lam. Sau ba năm, ngư dân làm lễ bốc mộ, cải táng, mang xương cốt của cá ông vào xây lăng mộ ở khu nghĩa trang trong khuôn viên đền Làng Hiếu.

“Trước đây, rất nhiều chuyến ngư dân chúng tôi ra khơi gặp bão tố, giông lốc trên biển. Lúc đó con tàu nhỏ nhoi trước sóng biển, chao đảo. Tàu sắp lật thì có cá ông đến dùng thân mình đỡ cho tàu không bị lật chìm. Chúng tôi luôn coi cá ông là vị thần cứu mạng nên nếu gặp cá ông chết trên biển thì dừng chuyến đánh bắt hải sản và tìm cách đưa cá vào bờ để làm lễ chôn cất, chịu tang như người thân mất” - ông Nguyễn Hữu Lâm (79 tuổi, ngụ phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) kể.

Các cụ cao niên ở phường Nghi Hải cũng cho biết những lần biển động, ghe, tàu thuyền gặp nguy hiểm đều có cá ông đến cứu giúp. Do vậy, các ngư dân không săn bắt, không ăn thịt cá ông.

Nét đẹp truyền thống của người dân miền biển

Đền Làng Hiếu gắn với khu nghĩa trang cá ông thể hiện tín ngưỡng của ngư dân. 87 phần mộ ở nghĩa trang cá ông do ngư dân Cửa Hội lập nên là hiện tượng tín ngưỡng văn hóa đặc trưng, phản ánh văn hóa biết ơn của người dân miền biển. Việc làm này hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, là nét đẹp truyền thống người dân miền biển cần bảo tồn, phát huy gắn với du lịch biển. Nơi đây hằng năm được tổ chức lễ hội cầu ngư.

Lễ hội cầu ngư năm nay được tổ chức trong hai ngày (ngày 14 và 15-3 âm lịch) với rất đông ngư dân, du khách tham gia. Ngư dân gửi gắm những khát vọng về những chuyến ra khơi bám biển thuận buồm xuôi gió, mùa vụ bội thu, cuộc sống bình yên, thuận lợi.

Ông HOÀNG VĂN PHÚC, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm