Hai bên thỏa thuận thời hạn thuê một năm, cô sinh viên phải đặt cọc 1 triệu đồng. Nếu người thuê dọn đi trước thời hạn sẽ bị mất tiền cọc. Nhưng ở được vài tháng cô này nói trả phòng và đòi ông chủ nhà trọ trả tiền cọc. Chủ nhà không chịu trả tiền, cô sinh viên cũng không vừa, cô đến UBND phường yêu cầu giải quyết.
Với tư cách là tổ trưởng tổ hòa giải, ông Vân đã tiếp cận vụ việc. Ông quyết định đến gặp ông chủ nhà trọ trước. Vừa gặp mặt, ông này xả bức xúc: “Con nhỏ đó hỗn lắm, nó không coi người lớn ra gì. Nó mà nói chuyện đàng hoàng với tôi thì mọi chuyện đã khác…”. Gặp cô sinh viên, ông Vân hỏi thẳng: “Bác chủ nhà nói cháu chửi người ta đó. Có chuyện đó không, nói thật chú biết. Chú phải biết sự thật thì mới giúp được”. Nghe vậy cô sinh viên với vẻ mặt hối lỗi, thừa nhận: “Tại bác ấy nói cháu làm hư gạch trong phòng trọ. Thực sự cháu không có làm mà bị nói vậy nên cháu tức, cháu có to tiếng…”.
Tìm hiểu thêm, ông Vân biết được lý do cô phá hợp đồng dọn đi nơi khác là vì ở đây cô gặp nhiều xui xẻo. Nhỏ bạn ở chung phòng thì bị tai nạn giao thông, bản thân cô cứ chạy ra đường là bị CSGT thổi, thậm chí bằng lái xe cũng bị giữ. Cô trình bày: “Giờ cháu cũng chưa có tiền để đóng phạt nữa. Đã vậy qua ở chỗ thuê mới cháu cũng phải đặt cọc tiền phòng 1 triệu đồng nên cháu mới đòi tiền…”. Ông Vân ôn tồn phân tích: “Chuyện gì đi nữa thì cháu lớn tiếng với người hơn tuổi mình là cháu sai đó, biết không? Mình là sinh viên, có học thức thì cách ứng xử của mình phải khác chứ. Bác ấy nói oan cho cháu thì cháu phải giải thích lại đàng hoàng. Mình nói chuyện tôn trọng thì người ta sẽ hiểu thôi…”.
Sau khi nắm được tâm tư và xoa dịu được bức xúc của hai bên, ông Vân tổ chức cho họ “vào vòng” đối mặt. Buổi hòa giải diễn ra rất nhẹ nhàng, kết quả là sau khi cô sinh viên xin lỗi thì ông chủ nhà cũng hứa trả lại tiền cọc. Chỉ có điều ông này không trả ngay mà bảo cô cứ về dọn đồ đạc, rồi ông sẽ kêu vợ mang tiền sang trả sau. Ông Vân bỗng nghĩ tới viễn cảnh bà chủ nhà và cô sinh viên lại lời qua tiếng lại rồi phát sinh những chuyện không hay. Nhanh trí, ông móc ví lấy ra ngay 1 triệu đồng, nói cho ông chủ nhà mượn tạm để trả luôn cho cô gái, sau đó gửi lại ông. Ông chủ nhà đồng thuận, cô bé mừng rỡ, cảm ơn rối rít...
Ông Vân bảo muốn công tác hòa giải tốt thì điều cơ bản là hòa giải viên cơ sở phải xây dựng được niềm tin của người dân. Điều này rất quan trọng và không phải một sớm một chiều mà có được. Tiếp theo là cần sự tận tâm với công việc, hết lòng với khu phố, với bà con. “Khi khéo léo xoa dịu được bức xúc thì việc hòa giải sẽ thành công” - ông Vân chia sẻ.