Người hòa giải êm những vụ tranh chấp trăm tỉ

Một buổi sáng, đại diện một công ty thương mại nhỏ trên địa bàn đến tìm gặp bà Hoàng Thị Lợi, cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý phường Bến Nghé (đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường), để dúi vào tay bà một phong bì dày cộp. Đó là lời cảm ơn vì bà đã giúp hòa giải thành một vụ tranh chấp giữa công ty và nhà bên cạnh. Cũng vì vụ tranh chấp kéo dài mà công ty không thể hoàn thành xây dựng, thiệt hại tiền bạc rất lớn.

Tuy nhiên, bà Lợi từ chối nhận, chỉ đề nghị công ty đóng góp cho quỹ vì người nghèo ở phường. Sau đó công ty đã chuyển cho quỹ số tiền 50 triệu đồng.

Tranh chấp từ ban công đến căn nhà vài trăm tỉ

Nhà liền kề có một căn gác lửng, gác lửng này có ban công nhô ra bên ngoài. Chủ nhà yêu cầu khi công ty xây lên đụng căn gác phải bồi thường 1 tỉ đồng. Công ty này không thể né được căn gác nhưng cũng không chấp nhận mức giá 1 tỉ đồng. Hai bên khiếu nại căng thẳng.

Bà Lợi lắng nghe hai bên, phân tích những thiệt hơn nếu vụ việc phải đưa ra tòa án. Bà khuyên chủ căn hộ đồng ý ngồi lại thỏa thuận mức bồi thường, bởi theo quy định về khoảng không và mức giá bồi thường hiện tại, tòa án sẽ không đồng ý mức giá vô lý này. Sau khi bà Lợi tỉ tê, chủ nhà đồng ý cho công ty xây dựng tiếp, chấm dứt hai năm tranh chấp căng thẳng.

Bà Lợi (phải)tư vấn cho một người dân tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý của phường Bến Nghé. Ảnh: HỒNG MINH

Cách đây chưa lâu, một bà cụ đến nhờ bà Lợi gỡ rối. Bà có hai người con nhưng các con không hòa thuận. Bà muốn bán căn nhà ngay trung tâm TP rồi chia cho các con. Một người con của bà vì sợ người mẹ già yếu đi lại khó khăn nên xin phép thay mặt bà thực hiện tất cả giao dịch.

Tuy nhiên, khi người mua chuyển khoản, anh ta hướng dẫn chuyển hết tiền vào tài khoản của mình, mẹ đòi cũng không trả.

Biết chuyện, bà Lợi tìm gặp người con trai và nhẹ nhàng phân tích: Nếu mẹ anh kiện, anh sẽ có thể mất hết nếu bà giận không chia tài sản cho anh. Đáng tiếc nhất là các sợi dây tình cảm trong gia đình sẽ đứt.

Sau khi biết bà Lợi là luật gia, cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP, trước đây có nhiều năm làm phóng viên mảng pháp luật của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, anh hứa sẽ suy nghĩ lại. Sau đó anh tự chuyển khoản tiền hơn trăm tỉ đồng về lại cho mẹ.

Khi người dân thấm luật…

Bà Lợi cho biết hầu hết các tranh chấp trên địa bàn là tranh chấp nhà đất. Vì giá đất ở khu vực quận 1 rất cao nên khi xảy ra tranh chấp, các bên tham gia rất quyết liệt.

Tuy nhiên, khi đến với phòng tư vấn pháp lý của phường, bà Lợi nhận thấy gút mắc lớn nhất là những người trong cuộc hay có tâm lý sợ thiệt mà không am hiểu pháp luật. Sau nhiều lần bà Lợi tư vấn luật pháp, diễn giải quyền lợi cho họ, nhiều người đồng ý rút đơn.

Bà Lợi nói: “Mình kiên trì giải thích, họ thấm được luật rồi sẽ không đi khiếu nại lòng vòng nữa, gia đình khỏi xào xáo, cơ quan chức năng đỡ phải mất thời gian giải quyết khiếu nại. Nhất cử, tam, tứ tiện”.

Chính vì vậy, một số người dân ở phường khác khi gặp vấn đề tranh chấp đã tìm tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý phường Bến Nghé nhờ bà Lợi tư vấn giúp.

Một bà cụ bị người khác dụ dỗ làm thủ tục lăn tay di chúc để lại căn nhà cho người này. Sau đó, bà cụ nhận ra mình bị lừa nên nhờ bà Lợi giúp gặp người này, thuyết phục bằng pháp luật để bà được lấy lại giấy tờ nhà giao cho người thân. Kết quả, bà Lợi thuyết phục được người ta giao trả lại giấy tờ nhà cho bà cụ.

Sau khi bà cụ mất, người thân đã thực hiện ý nguyện của cụ, giao cho bà Lợi 150 triệu đồng để giúp đỡ người nghèo. Bà Lợi đã chuyển số tiền này cho quỹ vì người nghèo của phường.

_______________________________

Bà Nguyễn Thị Lộc, công tác trong ban giảm nghèo của phường Bến Nghé, cho biết trước đây gia đình bà cũng gặp nhiều chuyện rắc rối. Sau khi được bà Lợi tư vấn về luật, bà đã giúp cho gia đình mình vượt qua sóng gió, không rơi vào khiếu nại. Bà Lộc cũng từng giới thiệu nhiều người dân đến phường gặp bà Lợi để được tư vấn giúp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm