Phóng viên làm hòa giải viên và bưu tá

Nghe ai đó kể bà Đoàn Thị Tuyết  rêu rao vợ mình ngủ với người cùng thôn, gia đình ông Chân gọi bà này đến nhà nói chuyện. Trong lúc lời qua tiếng lại, vợ chồng ông Chân và hai người con đã tát bà Tuyết mấy cái. Dù thương tích không nặng (4%) nhưng hai gia đình vốn thân thiết, chỗ chị em kết nghĩa đã trở thành xa lạ. Bốn năm sau, vợ chồng ông cùng hai người con bị khởi tố, truy tố và kết án tội cố ý gây thương tích.

PV Ngân Nga (bìa phải) làm hòa giải viên bất đắc dĩ để hàn gắn tình cảm hai gia đình trong vụ “Cái tát oan nghiệt”. Ảnh: PV

Trò chuyện, ông Chân buồn rầu bảo việc tát người là sai nhưng đâu ngờ cả nhà bị kết tội như thế. Trước kia, hai bên gia đình rất thân thiết, phía người bị tát thường hay qua nhà ăn cơm thân mật…

Chúng tôi đề nghị gia đình ông Chân cùng ghé thăm nhà bà Tuyết. Con gái ông Chân nói: “Khó lắm! Lúc trước nhà tôi cũng đến rồi nhưng dì Tuyết không bỏ qua. Giờ án đã tuyên rồi, mình đến sợ lối xóm nghĩ mình sang nịnh để dì rút đơn tố cáo, ê mặt lắm!”. Chúng tôi bảo mình làm sai biết nhận lỗi thì không có gì là xấu hổ, bà con chòm xóm sẽ hiểu và thông cảm thôi. Nghe vậy, cả nhà ông Chân nhận lời...

Bà Tuyết đang đi làm trong rẫy nên nhá nhem tối chúng tôi mới gặp được. Bà Tuyết tỏ ra rất giận, đặt mạnh điện thoại xuống bàn: “Bữa trước ra tòa anh chị đã thuê luật sư (LS), nay lại thuê cả nhà báo đến nữa à?”.

Chúng tôi đáp: “Gia đình chú Chân không thuê cháu được đâu! Cháu thấy dù sao gia đình chú Chân tát cô là không đúng…”. Như nhận được sự chia sẻ từ người lạ, bà Tuyết càng được dịp xả bức xúc dồn nén bấy lâu. Bà khẳng định mình không hề nói vợ ông Chân đi ngủ với người khác, mà lẽ ra ngay từ đầu anh chị nên nghe bà giải thích. Vợ ông Chân: “Tôi đánh dì là tôi sai. Anh chị có sai nên anh chị xin lỗi dì. Chứ bao năm hai gia đình đi lại với nhau, dì thừa biết tính tôi mà!”.

Sau ba tiếng kiên nhẫn ngồi nghe hai bên chia sẻ, cuối cùng bà Tuyết cũng nguôi giận. Bà nở nụ cười: “Thật ra em cũng không muốn làm to chuyện, em tức thì tức vậy thôi…”. Rồi bà Tuyết cho vợ ông Chân hộp thuốc bổ mang về. Hình ảnh hai bên vui vẻ nắm tay nhau, xưng hô một tiếng chị, hai tiếng em khiến chúng tôi nghĩ sắp tới vụ án sẽ khép lại nhẹ nhàng.

2. Chị Nguyễn Thị Thắm bị kết tội oan trong vụ án “Đánh bạc một mình” từ năm 2007 mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh. Sáu năm trước, ngày 27-5-2010, TAND huyện Cần Giờ, TP.HCM đã ban hành quyết định bồi thường thiệt hại cho chị Thắm, đăng lời xin lỗi công khai trên hai tờ báo, sau đó đã bồi thường hơn 32 triệu đồng cho chị. Tuy nhiên, không hiểu sao tòa vẫn chưa tổ chức buổi xin lỗi công khai. Chị Thắm đã khiếu nại nhiều lần nhưng vẫn chưa được xin lỗi.

LS Nguyễn Đức Nam (Đoàn LS TP.HCM, trợ giúp pháp lý miễn phí) kể cho phóng viên (PV) biết chuyện này. PV chuyển đơn của chị đến tận tay chánh án TAND TP.HCM. Lập tức, chánh án đã chỉ đạo TAND huyện Cần Giờ tổ chức xin lỗi công khai chị Thắm.

Tháng 9-2006, ông Trương Bá Nhàn được tại ngoại sau 1.346 ngày bị giam oan với cáo buộc giết người. Một tháng sau, vụ án được đình chỉ điều tra nhưng sau tám năm VKSND TP.HCM vẫn không xin lỗi, bồi thường oan cho ông.

Tháng 12-2014, đoàn giám sát án oan của Quốc hội làm việc tại TP.HCM. Buổi chiều, PV liên hệ với LS Trịnh Thanh (VPLS Người Nghèo - người giúp ông Nhàn 10 năm đi đòi công lý) để báo thông tin này. Buổi tối, ông Nhàn gặp PV nhờ chuyển đơn của ông đến tận tay nhiều thành viên đoàn giám sát.

Tại buổi giám sát, VKSND TP.HCM không báo cáo về vụ ông Nhàn. Đại biểu Quốc hội đã chất vấn lý do bỏ ngoài báo cáo trường hợp này. Đại diện VKS thừa nhận có khuyết điểm trong việc để kéo dài và hứa giải quyết dứt điểm trong năm sau.

Tháng 1-2015, VKSND TP.HCM đã mời ông Nhàn đến làm việc, thương lượng. Đến tháng 8-2015 thì ông Nhàn chính thức được xin lỗi công khai và bồi thường oan. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm