Nhưng đằng sau đó còn rất nhiều câu chuyện chưa một lần được kể.
Chẳng nhớ bao nhiêu lần thay bảng
Chúng tôi ghé thăm anh khi ngày đã dần nhạt nắng. Góc nho nhỏ tại giao lộ Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP. HCM), anh Nam đang cặm cụi bán hàng. Tấm biển giản dị với nội dung: "Anh chị em nào đi bệnh viện Từ Dũ nhìn theo mũi tên thấy nhà lầu màu vàng, nhìn lên trên thấy hình mẹ bồng con. Cảm ơn!" thu hút ánh mắt bao người qua đường. Gần bảy năm nay, mặc mưa nắng bụi đường Sài Gòn, tấm biển đó đã trở thành người bạn quen thuộc cho những người muốn tới bệnh viện Từ Dũ.
Anh Nguyễn Văn Nam. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Anh Nam kể chuyện anh bán áo mưa ở đây đã được gần 20 năm rồi. Anh bán hàng kiêm luôn người chỉ đường miễn phí, mà người ta hỏi nhiều nhất là đường tới bệnh viện Từ Dũ, vậy là tấm biển này ra đời.
Anh cũng chẳng nhớ nổi đây là tấm biển thứ bao nhiêu nữa, chỉ biết từ hồi làm tấm biển từ chất liệu này tới giờ, ít khi bị hư hỏng, anh cũng đỡ ngại hơn khi phải nhờ người viết hộ chữ lên bảng. “ Tôi không biết chữ nên toàn phải nhờ người ta viết. Lúc đầu, tấm bảng chỉ đường được làm bằng giấy, tôi lượm hoặc mua lại thùng cac tông ở mấy hàng tạp hóa, rồi nhờ con hoặc mấy ông xe ôm viết vô.
Nhưng hễ trời mưa, giấy bị mủn, lại phải thay. Sau đó, tôi chuyển sang bảng làm bằng tôn nhưng cũng rỉ sét, rồi làm bằng tấm ván ép mica thì trời nắng quá, nó bị giòn cũng bể. Cuối cùng tôi quyết làm bảng này là chất liệu chì với giá hồi đó là gần 700.000. Trời mưa trời nắng để thoải mái, chỉ khi nào chữ bị trầy trụa hết thì mới phải đi dán lại thôi. ”
Sáng dọn hàng ra, tối dọn hàng về, thậm chí có hôm áo mưa chưa dọn ra nhưng bảng đã được anh chở ra trước để thay anh làm nhiệm vụ chỉ đường. “Có lần, tấm biển bằng giấy bị mấy người lụm ve chai lấy mất, tôi cũng bực lắm. Tôi lại về làm tấm bảng khác. Ba bốn hôm sau, ra dọn hàng bất ngờ thấy tấm bảng kia được người ta trả lại, trở về vị trí cũ. Tôi không tiếc mấy tấm bìa nhưng những người đến bệnh viên thì gấp, có tấm bảng người ta nhanh hơn, đỡ mất công hỏi, nhận lại tấm bảng thấy vui vui”.
Tấm biển cóp nhặt từ những đồng tiền lẻ
Anh Nam vui vẻ kể chuyện những tấm biển chỉ đường ra đời từ khoảng 7 năm trước, nhưng riêng tấm bảng chì này anh làm hơn 2 năm rồi. Cái đế bằng xi măng để gắn tấm biển vào là tự tay anh làm để gió thổi không bay, không ngã. Hai ngày, anh lại lau tấm biển một lần cho sạch sẽ, người ta dễ nhìn hơn.
Tấm biển chỉ đường được anh Nam cóp nhặt từ những đồng tiền lẻ bán áo mưa. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Hỏi, bán áo mưa mỗi ngày được bao nhiêu tiền mà còn làm tấm bảng mắc vậy, anh cười hồn hậu: “Tôi để dành quỹ riêng trong con heo đất. Con heo tôi mua ngoài chợ giá 12.000 đồng. Bán hàng này thì hên xui, hôm nào bán nhiều thì để vào nhiều, 30-40.000, hôm nào bán được ít thì 5-7000 đồng. Mỗi ngày một ít, đến khi nhẩm nhẩm đủ rồi thì đập ra, nhờ con viết chữ lên tờ giấy, rồi mang tiền qua kêu thợ làm bảng cho. Phải để riêng không lỡ xài hết thì sao, mà làm một lần thì mắc tiền quá tôi không có”.
Dành dụm mua bình nước cho người nghèo
Anh Nam bảo nay anh đang dành dụm tiền để mua một thùng nước đá cho những người bán hàng rong, lái xe ôm, bán ve chai, vé số… qua đây dừng chân, uống nước.
Chỉ vào thùng đá nhỏ nhỏ bên cạnh, anh bảo ngày trước anh mua hai thùng , mà bị ai lấy mất một thùng rồi. Mỗi ngày anh dành 5000 mua đá bỏ vào, ước chừng mỗi tháng cũng hơn 100.000 tiền đá. Tôi hỏi đùa: “Mỗi tháng hơn 100.000, năm tốn hơn 1 triệu, nhà anh lại nghèo, sao không để tiền đó đi nhậu, mua con gà về ăn có phải ngon không?”. Anh cười: “Đâu ai giàu vì mấy chục, mấy trăm ngàn. Mà cái số giàu thì đã giàu rồi. Làm cái tấm bảng mấy trăm ngàn tôi còn không tiếc, tiếc gì mấy ngàn đá. Giúp được người ta, về ăn cũng thấy ngon hơn”.
"Giúp được người ta, về ăn cũng thấy ngon hơn”. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Anh bảo cái thùng đá anh mơ ước là cái thùng nhôm, có cái vòi để vặn nước chảy ra, đá bỏ vào giữ lạnh được lâu hơn. Anh sẽ mua thêm cái thùng rác để bên cạnh. Cốc uống nước anh muốn mua là loại cốc sử dụng một lần rồi vứt luôn. Anh bảo uống chung một ly mất vệ sinh lắm, chẳng mấy người dừng lại uống.
Có những thứ sách vở không dạy được. Có những thứ mà người bụng đầy chữ, nếp nhăn đầy trán, mắt đeo cả cặp kính to đùng dày cộm... học cả đời cũng không thấm (hoặc họ cố tình không hiểu). Có những thứ không thể đo được bằng IQ, lời nói mà phải bằng hành động, nhân phẩm của con người.
Sài Gòn níu chân bao người ở lại bởi những con người nghĩa tình như thế! Những con người bé nhỏ với những việc làm bé nhỏ đủ khiến những người con tha hương cảm thấy ấm lòng. Tấm biển như một lời chào thân ái đến những người con phương xa về đây lập nghiệp: rằng Sài Gòn không cô đơn!