Các y bác sĩ đóng vai trò như người nhà chăm sóc ca bệnh vô danh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chuyện đằng sau những ca bệnh vô danh

(PLO)- Người bệnh vô danh nhập viện, không người thân chăm sóc, các nhân viên y tế đóng vai trò vừa là thầy thuốc vừa là thân nhân.

Những ngày này, không khí tết đã len lỏi khắp mọi nơi. Nếu không may đang phải điều trị ở bệnh viện (BV), chắc hẳn ai cũng mong muốn sớm được xuất viện về sum họp với gia đình. Thế nhưng, có những người bệnh không có giấy tờ tùy thân lại hôn mê bất tỉnh. Mọi việc từ điều trị, thuốc men đến ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải nhờ các bác sĩ, điều dưỡng tại BV.

Hết ca trực vẫn vào thăm nom

Tại BV Nhân dân Gia Định, hiện có một bệnh nhân vô danh nam, khoảng 60 tuổi, bị chấn thương sọ não nhập viện đã hơn hai tháng. Cách 2 tiếng các điều dưỡng, hộ lý lại thay phiên nhau thay tã, mỗi ngày cho ăn sáu cữ. Chị Trần Phi Yến, điều dưỡng trưởng khoa Ngoại thần kinh, cho biết những lúc xoay trở cho bệnh nhân, phải cần đến hai điều dưỡng và một hộ lý hỗ trợ.

Điều dưỡng Trần Phi Yến kể về việc chăm sóc các ca bệnh vô danh.

Điều dưỡng Trần Phi Yến kể về việc chăm sóc các ca bệnh vô danh.

Khi bệnh nhân tỉnh lại, họ từ từ tiếp xúc và dần hồi phục, nhớ được họ là ai. Khi gặp người nhà, có người đã khóc òa lên. Khoảnh khắc đó tôi cũng xúc động như chính mình gặp lại người thân vậy.

Điều dưỡng TRẦN PHI YẾN

“Dù hết ca trực, chúng tôi vẫn ra vô thăm nom bệnh nhân. Những ca bệnh vô danh đều có một điểm chung là thiếu thốn tình cảm nên chúng tôi xem họ như người thân. Người yếu liệt dễ bị lở loét, cần sự chăm sóc tỉ mỉ xuyên suốt của người thân. Vì thế chúng tôi rất cảm thông và thay phiên nhau chăm sóc. Tết đến xuân về, tôi mong muốn bệnh nhân vô danh còn lại này tìm được người nhà để đoàn tụ” - chị Yến tâm sự.

Theo BS CK2 Đặng Duy Tân, Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh cho biết từng mổ nhiều trường hợp chấn thương sọ não cho bệnh nhân vô danh. Có một số ca nằm tại BV ba tháng vẫn chưa tìm được thân nhân. Đây là khoa nhiều ca bệnh vô danh nhất do bệnh nhân thường bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não bất tỉnh, khi tỉnh lại, do ảnh hưởng não nên không có ký ức.

Phần lớn các ca vô danh bị chấn thương não khi tỉnh lại bị mất ký ức.

Phần lớn các ca vô danh bị chấn thương não khi tỉnh lại bị mất ký ức.

Bệnh nhân kể trên bị tai nạn nhập viện trong tình trạng lơ mơ, không khai thác được bệnh sử. Bệnh nhân được cấp cứu và làm các xét nghiệm. Nếu không mổ sẽ nguy hiểm tính mạng nên bệnh nhân được ban giám đốc chỉ định mổ lấy máu tụ dưới màng cứng theo quy trình dành cho trường hợp khẩn cấp nhưng bệnh nhân không tỉnh táo và không có thân nhân. "Hiện người này đang sống thực vật, không thể tự chăm sóc. Nếu bệnh nhân có sự chăm sóc và tiếp xúc thường xuyên với người nhà thì khả năng hồi phục sẽ cao hơn. Bệnh nhân không có thẻ BHYT, chi phí điều trị đã hơn 50 triệu đồng" - BS Tân nói.

BS Đặng Duy Tân cho biết Khoa Ngoại thần kinh tiếp nhận nhiều bệnh nhân vô danh.

BS Đặng Duy Tân cho biết Khoa Ngoại thần kinh tiếp nhận nhiều bệnh nhân vô danh.

BS Nguyễn Trường Hoàng Công, khoa Ngoại thần kinh cho biết thêm bệnh nhân còn bị rối loạn điện giải nên phải sử dụng thuốc đắt tiền. “Bệnh nhân có vết mổ dài trên đầu, vùng tiếp xúc tì đè nên vết thương lành kém, đang bị hở nhiễm trùng, phải thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh. Điều dưỡng phải thay băng 1,2 lần/ngày. Nếu có người nhà sẽ chăm sóc thường xuyên, vết thương mau lành hơn” – BS Công nói.

Khơi gợi ký ức cho người bệnh

Không chỉ vậy, các điều dưỡng còn thường nhờ tổ công tác xã hội của BV vận động xin cơm từ thiện, tã lót cho người bệnh vô danh. Nhiều người khi tỉnh lại không nhớ nổi mình là ai. Lúc này, các điều dưỡng tiếp tục khơi gợi ký ức cho họ. “Có những ca bệnh nhân không nhớ số điện thoại nhưng mình cứ kiên nhẫn hỏi. Lúc đầu họ nhớ không đủ số, mình hỏi mỗi ngày và gọi thử đến khi nào đúng số thì thôi. Chúng tôi mở nhạc hay chương trình thời sự hằng ngày bên tai để bệnh nhân nghe, kích thích não bộ với hy vọng họ dần dần có ý thức” - chị Yến kể.

Người không có thông tin nhân thân khi nhập viện được gọi là vô danh nam hoặc nữ.

Người không có thông tin nhân thân khi nhập viện được gọi là vô danh nam hoặc nữ.

Không chỉ khoa Ngoại thần kinh, Khoa Nội thần kinh của BV cũng thường tiếp nhận các ca vô danh. Điều dưỡng Nguyễn Tâm An Hoài cho biết khoảng 60% ca bệnh vô danh ở khoa kiếm được người nhà. “Một điều dưỡng phải chăm nhiều người bệnh nên không thể hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân, phải tích cực kiếm người nhà lên hỗ trợ” – anh Hoài nói.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tìm người nhà cũng suôn sẻ. Anh Hoài cho biết khoa từng tiếp nhận một cụ bà 80 tuổi. Mặc dù BV đã liên hệ được người nhà nhưng họ không lên chăm sóc, để bệnh nhân nằm viện gần 2 tháng. “Sau đó khi nghe BV thông báo sẽ đưa bệnh nhân vào trung tâm bảo trợ xã hội thì người nhà lại lên BV gây chuyện và đưa bệnh nhân về” – anh Hoài kể.

Ngày vui sum họp

Niềm an ủi lớn nhất với nhân viên y tế là người bệnh tìm lại được người thân sau thời gian thập tử nhất sinh. Chị Yến kể cách đây vài năm, có một người phụ nữ hơn 60 tuổi, đi bán vé số và bị té chấn thương cột sống, được người dân đưa vào. Bà chỉ nhớ quê ở huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Nắm bắt thông tin ít ỏi này, BV đã nhờ các sơ trong nhà thờ gần khu vực đó và công an địa phương tìm người thân giúp.

Khoảng vài tuần sau, dù tìm được địa chỉ của cụ nhưng người nhà rất khó khăn, không có tiền đi xe đò lên TP. Vì thế, các nhân viên y tế đã góp mỗi người một ít hỗ trợ vé xe khứ hồi giúp người nhà bệnh nhân lên BV nhận người thân.

Nhờ sự kết nối của các nhân viên y tế BV Nhân Dân Gia Định, người phụ nữ bán vé số đã tìm được người thân.
Nhờ sự kết nối của các nhân viên y tế BV Nhân Dân Gia Định, người phụ nữ bán vé số đã tìm được người thân.

Một trường hợp khác bị đột quỵ cách đây bốn năm, được người bạn đưa vào viện. Sau hơn hai tháng nằm viện, thanh niên này tỉnh lại và gọi cho người nhà từ Hà Nội bay vào gặp nhau mừng mừng tủi tủi.

Hiện tại gia đình anh vẫn giữ liên lạc và gọi hỏi thăm mỗi dịp tết. Anh Nguyễn Thành Luân (35 tuổi) cho biết vào TP.HCM làm công nhân và ở trọ tại quận Bình Thạnh. Vào ngày nhập viện, anh bị mất giấy tờ chưa kịp làm lại, người bạn cùng phòng không mở được mật khẩu điện thoại.

“Lúc tỉnh lại, được các y bác sĩ cho biết tôi đã hôn mê hơn hai tháng. Các chị giúp tôi tắm rửa, vệ sinh cá nhân mà không ngại việc gì. Ơn nghĩa của BV, tôi không bao giờ quên” - anh Luân bày tỏ.

Các y bác sĩ đóng vai trò như người nhà chăm sóc ca bệnh vô danh. Ảnh: HOÀNG LAN
Các y bác sĩ đóng vai trò như người nhà chăm sóc ca bệnh vô danh. Ảnh: HOÀNG LAN

Ông Nguyễn Đức Toản, cha anh Luân, cho biết vào ngày 29 tết anh vẫn gọi về nhà bình thường, sau đó cả nhà gọi không được nhưng chỉ nghĩ anh bận việc, không ngờ xảy ra cơ sự.

“Các y bác sĩ đã sinh ra cháu lần thứ hai. Khi nào cháu khỏe ổn định hẳn tôi sẽ đưa cháu vào cám ơn các y bác sĩ lần nữa” - ông Toản nói.

Mặc dù vậy, vẫn có những người bệnh tỉnh lại và hồi phục sức khỏe hoàn toàn nhưng không ai đến nhận. ThS Điều dưỡng Nguyễn Thúy Uyên, Phó Phòng Công tác Xã hội cho biết gần đây nhất là trường hợp nam nhập viện 20-12-2022, sau khi điều trị di chứng nhồi máu não bán cầu trái, tổn thương thận cấp người bệnh tỉnh nhưng bị tâm phần phân liệt, không ý thức được bản thân hay những người xung quanh.

Phòng Công tác xã hội xin các suất ăn từ thiện, các điều dưỡng, hộ lý thay nhau đút cơm cháo, vệ sinh tắm rửa mỗi ngày cho đến khi người bệnh hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Dù BV và các cơ quan chức năng tích cực phối hợp để tìm người nhà nhưng do không xác nhận được danh tính nên đến ngày người bệnh xuất viện cũng không ai đến đón. Bệnh viện phải liên hệ chuyển người bệnh đến các mái ấm, trung tâm bảo trợ khác nhau. Đến ngày 29-12-2022, người bệnh được chuyển đến mái ấm để được sinh hoạt, chăm sóc trong cộng đồng. "Đáng thương nhất có lẽ là những trường hợp bị bệnh quá nặng, suy hô hấp, nhiễm trùng đa cơ quan… không thể qua khỏi. Bệnh viện cùng với các cơ quan chính quyền lo hậu sự cho họ" - chị Uyên nói.

Mong mở rộng hành lang pháp lý tiếp nhận ca vô danh

Từ năm 2020 đến hết 2022, BV tiếp nhận 40 ca bệnh vô danh, đặc biệt những tháng cuối năm 2022, BV tiếp nhận đến 10 ca.

Khi có ca bệnh vô danh, phòng Kế hoạch tổng hợp và công tác xã hội sẽ hỗ trợ tìm người nhà bệnh nhân bằng cách báo công an hay đăng tin trên mục tìm người của các báo. Trường hợp không tìm được người nhà, khi tỉnh lại, nếu bệnh nhân có nguyện vọng sẽ làm đơn, BV chuyển bệnh nhân vào trung tâm bảo trợ xã hội (TT).

Khi có ca bệnh vô danh, phòng Kế hoạch tổng hợp và công tác xã hội sẽ hỗ trợ tìm người nhà bệnh nhân.

Khi có ca bệnh vô danh, phòng Kế hoạch tổng hợp và công tác xã hội sẽ hỗ trợ tìm người nhà bệnh nhân.

Có bệnh nhân sau khi tỉnh dậy đã nhớ và tự khai thông tin cá nhân. Cũng có người bệnh nhớ ra nhưng vì lý do gì đó đã giấu tên, không khai bất kỳ thông tin gì. Trong ba năm qua, có vài người đi TT, cũng có vài người xin xuất viện để vào các mái ấm do họ tự tìm. Hiện kinh phí chăm sóc, điều trị cho người bệnh vô danh là nguồn chi của BV và vận động một phần từ mạnh thường quân.

Chúng tôi mong có thể mở rộng chính sách hành lang pháp lý để có thêm nhiều TT, mái ấm tình thương nhận nuôi người bệnh vô danh. Chẳng hạn như công bố danh sách những trung tâm, mái ấm được phép tiếp nhận. BV sẽ liên hệ và cùng hội chẩn với trung tâm trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân. Hy vọng các TT cũng sẽ đảm bảo cơ sở y tế, có người chăm sóc các bệnh nhân sau điều trị, từ đó giảm tải khó khăn cho BV. BV luôn trên tinh thần điều trị dứt điểm mới đưa họ đến TT.

ThS VŨ NGỌC LAN, phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhân dân Gia Định

Đọc thêm