Những làng nghề nức tiếng đất cố đô - Bài 2: Làng hương Thủy Xuân

(PLO)- Làng hương Thủy Xuân thường được du khách lựa chọn tham quan và lưu lại những bức ảnh kỷ niệm mỗi lần đến với xứ Huế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 7 km, làng hương Thủy Xuân (phường Thủy Xuân, TP Huế, Thừa Thiên-Huế) thường được nhiều du khách quan tâm mỗi lần đến với vùng đất cố đô.

Những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước đổ về đây ngày càng nhiều. Bằng chứng là khi tìm kiếm dòng hashtag #langhuongthuyxuan trên mạng xã hội Facebook, sẽ có hàng ngàn kết quả cho ra những bức ảnh đủ màu sắc về làng nghề được du khách đăng tải.

Điểm check-in nổi tiếng

Nằm trên trục đường có nhiều địa điểm tham quan như lăng Vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, làng hương Thủy Xuân giờ đây không chỉ là một làng nghề truyền thống, mà còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh.

Những ngày gần tết Nguyên đán, đang làm hương trong một gian quán nhỏ, bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (73 tuổi) ngơi tay tiếp các du khách dừng xe vào quán tham quan.

Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết tại gian hàng của mình. Ảnh trong bài: NGUYỄN DO

Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết tại gian hàng của mình. Ảnh trong bài: NGUYỄN DO

Mỗi lần du khách đến, bà thường giới thiệu du khách tham quan các gian hàng trưng bày, khu vực làm hương theo phương thức truyền thống. Rồi nhiều hôm bà cũng trở thành mẫu ảnh chụp chung với du khách hay nhân vật của các nhiếp ảnh gia.

“Những ngày này, nhiều nơi đặt hương để thắp trong dịp lễ, tết nên mệ cũng làm nhiều. Mỗi khi có du khách đến chụp ảnh, mệ rất mừng. Hầu như mọi người thường đi đường xa xôi đến Huế cũng ghé thăm làng hương của mình thì còn gì bằng” - bà Tuyết nói.

Là một trong những người đầu tiên vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch, bà Tôn Nữ Mộng Hoa (53 tuổi) cho biết cách đây nhiều năm có một đoàn khách nước ngoài đến tham quan tại khu lăng mộ của Vua Tự Đức.

“Khi họ trở về thì nhiều người trong đoàn khách đã dừng lại bên quầy hàng để chụp ảnh và họ tỏ vẻ rất thích thú. Từ đây, tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng làm du lịch” - bà Hoa nói.

Sau đó, bà Hoa cùng người dân ở đây đã nảy ra ý tưởng ngoài làm hương kiếm tiền thì họ còn tạo ra một không gian cho du khách đến tham quan, chụp ảnh. Những bó hương nhiều màu sắc được chủ những gian hàng bài trí rất bắt mắt khiến du khách không thể từ chối mỗi lần đi ngang qua.

“Đây cũng là một cách để tăng thu nhập và tạo động lực để làng nghề hàng trăm tuổi này phát triển” - bà Hoa nói.

Theo bà Hoa, mỗi ngày cửa hàng của bà đón tiếp hàng chục du khách đến tham quan, chụp ảnh. Thu nhập từ việc cho thuê áo dài và mua hàng lưu niệm mỗi ngày cũng từ vài trăm ngàn đến khoảng 1 triệu đồng.

Du khách tham quan các gian hàng tại làng hương Thủy Xuân. Trong ảnh: Chị Đặng Thảo Nguyên đang làm hương.

Du khách tham quan các gian hàng tại làng hương Thủy Xuân. Trong ảnh: Chị Đặng Thảo Nguyên đang làm hương.

Những bó hương nhiều màu sắc được chủ những gian hàng bài trí rất bắt mắt khiến du khách không thể từ chối mỗi lần đi ngang qua.

Tôi biết làng hương Thủy Xuân qua các hình ảnh rất đẹp do bạn bè đi du lịch ở Huế đăng tải lên mạng xã hội Facebook. Khi đặt chân đến làng hương Thủy Xuân, tôi càng ấn tượng với cách bài trí những nén hương truyền thống. Điều này tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp để mọi người đến check-in, sống ảo.

Chị NGUYỄN THỊ TÂM

(đến từ Quảng Trị)

Lưu giữ nghề xưa

Quay ngược thời gian, bà Tôn Nữ Ánh Tuyết cho biết làng hương Thủy Xuân không biết xuất hiện từ khi nào nhưng đến nay trải qua hàng trăm năm, người dân nơi đây vẫn tiếp tục duy trì và lưu giữ nghề truyền thống này.

Theo bà Tuyết, ở đa số gia đình nghề làm hương trầm được truyền từ đời này sang đời khác. Những cây hương trầm thơm ngát không chỉ phục vụ cho đời sống tâm linh của người dân trong tỉnh mà còn các tỉnh, thành khác trong cả nước.

“Đến nay gia đình tôi cũng trải qua nhiều đời làm nghề hương trầm. Nghề này tuy không mang lại thu nhập cao như bao nghề khác nhưng đây là nghề truyền thống do cha ông để lại, mình có trách nhiệm và bổn phận phải giữ gìn” - bà Tuyết tâm sự.

Một du khách tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm ở làng Thủy Xuân. Ảnh: NVCC

Một du khách tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm ở làng Thủy Xuân. Ảnh: NVCC

Còn theo bà Tôn Nữ Mộng Hoa, nhờ nghề làm hương trầm, bà có thể nuôi các con trưởng thành. Bà Hoa cho biết hiện tại con gái bà là Đặng Thảo Nguyên (36 tuổi) cũng theo nghề như cách để giữ gìn nghề truyền thống.

Chị Nguyên cho biết bản thân đã có hơn 18 năm làm nghề hương trầm này. “Lúc nhỏ, tôi thường ngồi xem mẹ xe hương, lâu dần nghề làm hương ngấm vào người lúc nào không hay” - chị Nguyên nói.

Theo chị Nguyên, trải qua hơn 18 năm làm nghề xe hương trầm với nhiều thăng trầm, giữa thời kỳ hội nhập nghề làm hương cho thu nhập không cao so với những nghề khác. Tuy nhiên, những năm gần đây các hộ dân tại làng hương Thủy Xuân vừa làm hương trầm vừa kết hợp làm du lịch, nhờ đó thu nhập cũng tăng lên.•

Công nhận làng nghề hương trầm truyền thống

Ông Nguyễn Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân (TP Huế), cho biết hiện nay trên địa bàn phường có khoảng 25-30 hộ dân làm nghề hương trầm dọc tuyến đường từ Huyền Trân Công Chúa đến đường Đoàn Nhữ Hài. Trong đó, khoảng 5-7 hộ dân vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch. Cuối năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã công nhận nghề làm hương trầm Thủy Xuân là nghề truyền thống của tỉnh này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm