LTS: Huế từng là thủ phủ và kinh đô của các triều đại quân chủ, trong đó gần nhất là kinh đô của nhà Nguyễn (1802-1945) - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Đây là nơi hội tụ rất nhiều nghề thủ công truyền thống tinh xảo phục vụ triều đình.
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) lại nhộn nhịp người ra vào. Ngày trước hoa giấy được sử dụng nhiều trong việc thờ cúng nhưng với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, hoa giấy Thanh Tiên ngày nay còn được chọn trang trí trong mỗi mùa xuân.
Tình yêu với hoa giấy
Hơn 30 năm theo nghề làm hoa giấy truyền thống, ông Nguyễn Văn Hiến (58 tuổi) cho biết năm nay gia đình ông làm khoảng 1.000 cặp hoa giấy thờ cúng phục vụ dịp tết và nhiều hoa dùng để trang trí khác.
“Nghề làm hoa giấy khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Để có cành hoa giấy với năm màu vàng, đỏ, lục, hồng, xanh, từ tháng 10 người thợ đã chuẩn bị tre và phơi khô, nhộm màu giấy. Mỗi cành hoa ra đời đều đòi hỏi sự chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận” - ông Hiến kể.
Theo nghề làm hoa giấy đã được hơn 40 năm, ông Nguyễn Hóa (61 tuổi) mang nhiều tâm tư khi chứng kiến làng nghề trải qua nhiều sự thăng trầm trong thời buổi thị trường cạnh tranh khắc nghiệt.
“Trước năm 2000, nghề hoa giấy có nguy cơ chững lại do sự phát triển mạnh mẽ của hoa nhựa. Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Festival Huế và Festival làng nghề truyền thống nên hoa giấy được người dân khắp nơi biết đến” - ông Hóa nói.
Theo ông Hóa, điều đáng mừng là nhiều năm nay “hoa giấy đã bừng dậy”, đặc biệt làng làm hoa giấy còn được nhiều khách tham quan ghé thăm. Nhờ vậy, hoa giấy “tỏa hương thơm” đi nhiều nơi, ngoài ở Huế thì nhiều nơi khác người dân cũng tìm đặt mua.
Hoa giấy với nhiều màu sắc sẵn sàng đưa ra thị trường. Ảnh: N.DO |
“Từ lâu tôi tin rằng hoa giấy sẽ không bao giờ mai một, nó mang đến một nét giản dị, đặc biệt là đối với vùng đất cố đô” - ông Hóa bộc bạch.
Ngoài làm những loại hoa giấy quen thuộc như lan, huệ, hồng, cúc… từ năm 2008 ông Thân Văn Huy là họa sĩ, nghệ nhân trong làng đã khôi phục hoa sen giấy bị thất truyền hơn 60 năm qua. Từ đó thu hút được khách hàng nhiều hơn.
Khi đã làm ra những cánh hoa sen, ông Huy bắt tay truyền nghề cho người dân. Một người thợ lành nghề có thể làm ra khoảng 15-20 hoa/ngày. Nếu như hoa giấy thường có tính thời vụ, chỉ bán chạy vào dịp lễ, tết thì hoa sen giấy được làm quanh năm và càng được tiêu thụ nhiều hơn vào dịp tết.
Làng nghề 300 năm, tiếp tục lưu truyền
Theo người làng Thanh Tiên, nghề truyền thống này đã có cách đây hơn 300 năm. Tục xưa, hoa giấy được trang trí ở những nơi trang trọng như: Trang Bà, Trang Ông, am cảnh và ông Táo. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh, thành lân cận cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi tết đến xuân về.
Để lưu giữ nghề này, vào năm 2010 ông Thân Văn Huy mở lớp đào tạo nghề cho khoảng 25 học viên. Trong số này, hiện 10 em có công việc thường xuyên. Với sự sáng tạo của người trẻ, nhiều mẫu mã hoa giấy mới được ra đời, làm tăng thêm sự đa dạng của hoa giấy ở vùng đất này.
Hằng ngày nhiều du khách trong và ngoài nước đến làng Thanh Tiên có thể trực tiếp trải nghiệm cảm giác tự tay làm ra những bông hoa giấy.
“Họ tìm đến mình để tham quan, trải nghiệm, do vậy mình có cách ứng xử tương ứng để khách hài lòng, để những giá trị văn hóa của Việt Nam được lan tỏa, nhất là hoa sen - loài hoa được bầu chọn là quốc hoa” - ông Huy tâm sự.
Festival hồi sinh nghề truyền thống Huế
TP Huế đã tổ chức nhiều kỳ Festival nghề truyền thống Huế. Qua đó mang lại hiệu quả tích cực, góp phần hồi sinh và phát triển các ngành nghề truyền thống địa phương cũng như đưa các làng nghề trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong lòng du khách.
Ưa chuộng cúng ông Công, ông Táo
Ông Nguyễn Hóa cho biết từ đầu tháng Chạp năm nay gia đình ông đã nhận đơn đặt hàng gần 10.000 cành hoa giấy từ khách gần xa. Giá thành cũng có tăng nhẹ, một cành hoa giấy hoàn thiện sẽ được bán ra thị trường với giá 7.500 đồng. Theo ông Hóa, hoa giấy được người dân ưa chuộng trong việc thờ cúng, đặc biệt là ngày cúng ông Công, ông Táo.