Làng bánh tráng Túy Loan "đỏ lửa" vào vụ Tết

(PLO)- Bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà còn theo chân du khách đi khắp mọi nơi, và trở thành đặc sản của Đà Nẵng trong dịp Tết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày cận Tết, những gác bếp làng nghề bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) luôn đỏ rực từ rạng sáng để làm ra những chiếc bánh tráng thơm ngon.

Thăm xưởng của gia đình cụ Đặng Thị Túy Phong (84 tuổi) là một trong những lão làng của nghề bánh tráng này. Có thể thấy không khí làm nghề tất bật, hối hả cho kịp những đợt hàng cuối năm.

Mô tả về quá trình làm bánh, chị Nguyễn Đặng Thái Hòa, con gái cụ Phong chia sẻ: nguyên liệu chính để làm bánh tráng là bột gạo, mà yêu cầu là loại gạo Xiệc 13/2 - gạo truyền thống của làng Túy Loan. Loại gạo này có mùi thơm, nấu cơm tuy cứng, nhưng bù lại đúc bánh tráng rất ngon.

Những ngày cận Tết những gác bếp làng nghề bánh tráng Túy Loan luôn đỏ rực lửa.Ảnh: NGÔ QUANG

Những ngày cận Tết những gác bếp làng nghề bánh tráng Túy Loan luôn đỏ rực lửa.Ảnh: NGÔ QUANG

Để có bột, người làm bánh cho ngâm gạo trong nước hai ngày, mới đem đi xay. Sau đó hòa thêm nước vào làm sao cho nước gạo không quá lỏng và cũng không quá đặc. Để cho nước tráng bánh được mịn và trắng đều, người dân phải lọc qua một lượt để loại bỏ những vỏ trấu lấm tấm. Điều này giúp tạo ra sản phẩm có màu đều mà không bị lỗ chỗ vết trấu.

Sau công đoạn tráng đến giai đoạn quan trọng tiếp theo là phơi bánh. Bánh không phơi nắng như thông thường mà sẽ được hong ba lần trên củi than. Qua ba lần hong như vậy, bánh sẽ khô giòn, không bị mốc và bảo quản được lâu.

Để cho nước tráng bánh được mịn và trắng đều, người dân phải lọc qua một lượt để loại bỏ những vỏ trấu lấm tấm.

Để cho nước tráng bánh được mịn và trắng đều, người dân phải lọc qua một lượt để loại bỏ những vỏ trấu lấm tấm.

Bắt đầu từ cuối tháng 9 âm, mỗi ngày nhà bà Phong lại đỏ lửa từ 1-2 giờ sáng và làm bánh đến khoảng 10 giờ sáng. Mỗi ngày như thế, gia đình bà sản xuất ra tầm 250-300 bánh để cung cấp cho các khách hàng đặt hàng vào dịp Tết.

"Ngày thường thì đổ 1-2 am, 1 am đổ được 80 bánh rồi nghỉ 4-5 ngày có khi nghỉ cả nữa tháng rồi đổ lại. Còn đến dịp cận Tết, thì ngày nào cũng từ 2 cho đến 4 am, khoẻ thì đổ ngày được 4 am, mệt thì 2 am, đổ bánh như vậy cho đến ngày 27 âm lịch là nghỉ", chị Hòa chia sẻ

Dịp Tết, nhà chị Hòa và các hộ dân trong làng nghề huy động tất cả nhân lực trong gia đình để làm bánh tráng mới kịp hàng cho thị trường với khoảng 240 bánh/ngày.

Chị Đặng Thị Anh Thư cho hay, cứ đến dịp này là chị chạy "show" từ cơ sở này qua cơ sở khác làm để kiếm thêm thu nhập cho những ngày cận Tết.

Chị Đặng Thị Anh Thư đang phụ giúp trải bánh lên phơi. Ảnh: NGÔ QUANG.

Chị Đặng Thị Anh Thư đang phụ giúp trải bánh lên phơi. Ảnh: NGÔ QUANG.

Mình làm cho chỗ cụ Phong từ lúc 2 giờ cho đến 11 giờ trưa, xong rồi mình chạy qua cơ sở khác. Cứ tính 1 am là 100 nghìn, một buổi thì làm cỡ 2,3 am nên tháng cũng kiếm được 8-9 triệu gì đó để trang trải thêm cho ngày Tết.

Hỏi về nguồn gốc của làng nghề cổ bánh tráng này, bà Phong cho biết: “Thật tình không ai biết rõ nguồn gốc nghề này có từ lúc nào, từ ai mà chỉ thấy người ta làm rồi mình học hỏi làm theo. Cả làng hồi trước có nhiều hộ làm nhưng giờ chỉ có hơn chục hộ theo nghề.

Chị Nguyễn Đặng Thái Hòa con gái cụ Phong đang thực hiện công đoạn tráng bánh. Ảnh: NGÔ QUANG.

Chị Nguyễn Đặng Thái Hòa con gái cụ Phong đang thực hiện công đoạn tráng bánh. Ảnh: NGÔ QUANG.

Đổ bánh tráng ni dễ lắm, ai làm cũng được hết nhưng mà nghề này hơi cực. Ở đây đa số làm nông là chủ yếu, còn làm bánh tráng là phụ. Ngày thường thì đổ cũng ít bánh, ai đặt thì mình mới làm. Tuy là nghề phụ nhưng tới dịp Tết họ đặt nhiều nên thu nhập gia đình cũng tăng lên”.

Bà Phong còn chia sẻ, để gìn giữ nghề truyền thống này, các cấp xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ, góp phần giúp các hộ phát triển nghề, nâng cao năng suất và hiệu quả. Cụ thể, một số hộ đã nhận được sự hỗ trợ về máy xay bột, giàn phơi, máy hút chân không, nhãn hiệu…với tổng mức hỗ trợ khoảng 30 triệu/hộ.

Bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà còn theo chân du khách đi khắp mọi nơi, và trở thành một thứ đặc sản của Đà Nẵng.

Theo chị Hòa, ngoài việc đặt lên mâm cúng ông bà thì bánh tráng Túy Loan cũng được những người đi làm xa quê, mỗi khi có dịp về nhà họ mua bánh mang đi. Thậm chí có những người ở nước ngoài, không về được thì được người thân mua gửi theo máy bay "xuất ngoại".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm