Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2030.
Kế hoạch nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống của các làng nghề. Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia Chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề. Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Theo đó, Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền (7 làng nghề và 9 làng nghề truyền thống); Công nhận mới 4 làng nghề và 1 nghề truyền thống. Đồng thời phát triển 2 làng, nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch.
Làng nghề truyền thống đóng xuồng ghe huyện Lai Vung là một trong 16 làng nghề nằm trong kế hoạch bảo tồn và phát triển của Đồng Tháp. Ảnh: CẨM GIANG |
Phấn đấu, có trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả. Có ít nhất 20% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Đến năm 2030, duy trì và bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Phấn đấu 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản.
Có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Sở NN&PTNN chủ trì cùng với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ.
Cùng với đó là tăng cường quản lý nhà nước đối với làng nghề, làng nghề truyền thống. Đối với những làng nghề đang trong quá trình mai một và có khả năng bị thất truyền như: nghề đan mê bồ, đóng xuồng, ghe, đan thúng, rổ, đan bội, đan lờ lợp... xác định bảo tồn là chính, xem đó là tài sản văn hóa. Từ đó tiến hành điều tra, xác định và xây dựng dự án để duy trì một vài hộ hoặc nhóm hộ làm nghề hoạt động “trình diễn” nghề nhằm phục vụ yêu cầu du lịch, văn hóa…