Đó là một trong những mục tiêu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra đối với các tổ chức tín dụng tại Quyết định 810 phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Theo đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động.
Đến năm 2030, mục tiêu cơ bản là ít nhất 70% việc giải ngân, cho vay của ngân hàng, công ty tài chính với khách hàng cá nhân vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng được thực hiện số hoá, tự động.
Ảnh minh họa
Tương tự, với mục tiêu đạt ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử vào năm 2025 thì đến năm 2030, tỉ lệ này phải nâng lên con số 80%.
Để xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đôi số ngân hàng, ưu tiên vào một số vấn đề.
Cụ thể, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý giám sát hoạt động thanh toán, thanh toán trong nước và xuyên biên giới nhằm tạo thuận lợi cho cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Ngoài ra, NHNN cũng rà soát, nghiên cứu các quy định về hoạt động cho vay để cho phép thực hiện bằng phương thức điện tử và tự động hóa quy trình cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Quy định về an ninh, an toàn bảo mật và cung ứng dịch vụ ngân hàng trên môi trường internet trong ngành ngân hàng. Đồng thời xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Fintech Sandbox). Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương.
Thực tế thời gian qua, các ngân hàng thương mại cũng đang chạy đua triển khai chuyển đổi số, đưa ứng dụng số hóa vào các hoạt động của nhà băng.
Hàng chục triệu khách hàng đã trở thành khách hàng số của ngân hàng khi lựa chọn sử dụng thường xuyên các ứng dụng ngân hàng số trong mọi giao dịch thường nhật như ứng dựng ngân hàng số VCB Digibank, VietinBank iPay, BIDV Smart Banking, eBank X của TPBank; Omni-Channel của OCB... BIDV phát động chiến dịch chuyển đổi số "BIDV digi up", công bố nhiều dự án chuyển đổi số.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, ngân hàng có kế hoạch xây dựng ứng dụng "chatbot" (robot tự động nói chuyện, tương tác với khách hàng) đa nhiệm hơn
Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, TPBank có hệ thống ngân hàng tự động (LiveBank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có LienViet24h…
Chuyển đổi số không chỉ giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí và hợp lý hóa các quy trình hoạt động mà sự tích hợp này cũng giúp mang lại trải nghiệm khách hàng dễ dàng và hấp dẫn hơn.
Trong bối cảnh kinh tế số đang ngày càng phát triển, lĩnh vực ngân hàng số trở thành định hướng tập trung nhằm tạo ra các dịch vụ mới và xây dựng nên lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng.