Cách chuyển tiền trực tuyến an toàn hơn trong mùa cuối năm

Để đảm bảo thông tin và tài sản cá nhân luôn được an toàn, bạn cần phải nắm rõ các chiêu trò lừa đảo và “nằm lòng” những cách thức bảo vệ khi giao dịch trực tuyến.   

Các thủ đoạn lừa đảo lấy cắp thông tin ngân hàng

- Giả mạo website/fanpage của ngân hàng hoặc các thương hiệu nổi tiếng và gửi liên kết giả mạo để người dùng nhập thông tin. 

- Lừa người dùng cài đặt các phần mềm gián điệp, theo dõi.

- Giả danh công an, tòa án, nhân viên ngân hàng… và yêu cầu người dùng cung cấp thông tin ngân hàng để phục vụ cho nhu cầu điều tra

dang-nhap-website-gia-mao

Một trang web ngân hàng giả mạo. Ảnh: TIỂU MINH

Lưu ý, các ngân hàng sẽ không bao giờ gửi liên kết hoặc liên hệ với bạn để yêu cầu cung cấp thông tin dưới mọi hình thức. Do đó, những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng (nếu có) đều là giả mạo.

Bạn tuyệt đối không cung cấp thông tin cho bất cứ ai, kể cả khi bị hăm dọa đang dính vào một vụ án rắc rối.  

Khi có được thông tin tài khoản ngân hàng của bạn, kẻ gian sẽ ngay lập tức đăng nhập và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Thủ đoạn buộc người dùng chuyển tiền vào tài khoản

Bên cạnh đó, kẻ gian còn sử dụng chiêu trò hăm dọa để buộc người dùng tự chuyển tiền vào tài khoản.

Để làm được việc này, đầu tiên kẻ gian sẽ bắt đầu thu thập thông tin của người dùng (họ tên, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số CMND/CCCD…) cho tới các thông tin mang tính bảo mật cao như tài khoản hoặc thẻ ngân hàng (số CVV, hạn sử dụng thẻ…) bằng nhiều cách thức khác nhau.  

Khi đã có được thông tin, kẻ gian sẽ bắt đầu giả danh nhân viên ngân hàng hoặc các cơ quan chức năng để liên hệ với người dùng.

Bằng những thông tin đã thu thập trước đó, kẻ gian nhanh chóng có được lòng tin của người dùng và tiếp tục khai thác thêm những thông tin nhạy cảm khác, như mã OTP, mật khẩu… hoặc yêu cầu chuyển tiền để nhận quà. 

Nhiều người bán hàng online đang là nạn nhân của những kẻ lừa đảo trên mạng, do thường xuyên đăng tải và tiết lộ các giao dịch/số tài khoản ngân hàng trên Facebook.   

Làm thế nào để hạn chế bị lừa khi giao dịch trực tuyến?

- KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (tên đăng nhập, mật khẩu…) cho bất kỳ ai qua tin nhắn, email, điện thoại, Facebook, Zalo kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng hoặc cơ quan điều tra.

- KHÔNG đăng nhập tài khoản ngân hàng thông qua các liên kết do bạn bè, người lạ gửi đến (chỉ truy cập trực tiếp vào trang web của ngân hàng).

- KHÔNG thực hiện các giao dịch mua sắm trực tuyến, chuyển tiền… trên các thiết bị công cộng, đơn cử như máy tính tại quán Internet, nhà ga xe lửa, thư viện hoặc điện thoại của người lạ. 

khong-dang-nha-tai-khoan-ngan-hang-tren-thiet-bi-la

Không đăng nhập tài khoản ngân hàng trên máy tính công cộng hoặc điện thoại của người lạ. Ảnh: TIỂU MINH

- KHÔNG lưu thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử ở bất kỳ đâu, đặc biệt không chọn chế độ tự động lưu mật khẩu trên trình duyệt web. 

- KHÔNG cung cấp thông tin, đưa các thông tin giao dịch lên Facebook.

Đọc thêm