Chuyện gì xảy ra khi Nga ngừng cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine?

(PLO)- Việc Nga ngừng cấp khí đốt sẽ có tác động về địa chính trị lớn đến Nga, các nước ở châu Âu và cả Ukraine.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-1 được cho là thời điểm Nga ngừng cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine, khép lại giai đoạn dài Moscow là nguồn cung chính cho thị trường khí đốt của châu Âu.

Naftogaz - đơn vị trung chuyển khí đốt của Ukraine cho biết tính đến 15 giờ ngày 31-12-2024 (giờ địa phương), Nga vẫn chưa đăng ký bất kỳ lượng khí đốt nào cho ngày 1-1 thông qua đường ống của Ukraine tới châu Âu, theo hãng tin Reuters.

Điều này xuất phát từ việc thỏa thuận trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm giữa Naftogaz và Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom không được phía Kiev đồng ý gia hạn.

Kết quả là đường ống trung chuyển khí đốt quan trọng từ thị trấn Sudzha ở tỉnh Kursk (Nga) qua Ukraine đến Slovakia, CH Czech và Áo sẽ phải ngừng hoạt động ngay vào thời điểm đầu năm 2025.

Nga ngừng cấp khí đốt cho EU Ukraine.png
Một trạm nén khí của Ukraine gần TP Kharkiv (Ukraine). Ảnh: Getty Images

Chỉ còn hai tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga đến châu Âu là tuyến Blue Stream và TurkStream từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó sẽ chuyển một số lượng khí đốt của Nga đến các nước phía nam châu Âu.

Tác động ra sao đến các bên?

Đa số các nước Liên minh châu Âu (EU) đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế kể từ năm 2022.

Do đó, theo các chuyên gia, trước mắt việc Nga ngừng cấp khí đốt qua Ukraine sẽ có tác động không lớn lên thị trường năng lượng châu Âu. Giá khí đốt chuẩn của châu Âu ổn định ở mức 48,50 euro/mWh (50,47 USD/mWh) vào hôm 31-12-2024, theo Reuters.

Việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển cũng khó có thể khiến giá khí đốt của EU tăng trở lại như năm 2022 vì khối lượng vận chuyển còn lại tương đối nhỏ. Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỉ m3 khí đốt qua Ukraine vào năm 2023, chỉ chiếm 8% lưu lượng khí đốt cao điểm của Nga đến châu Âu qua các tuyến đường khác nhau trong năm 2018-2019.

Tuy nhiên về lâu dài với châu Âu, việc mất nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ từ Nga có thể sẽ tiếp tục góp phần gây ra sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng, lạm phát tăng đột biến và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều nước EU.

EU vẫn đang ưu tiên tìm các nguồn năng lượng thay thế, nhưng việc mất đi khí đốt giá rẻ của Nga cũng làm gia tăng mối lo ngại lâu dài về khả năng cạnh tranh toàn cầu của châu Âu và đặc biệt là về tương lai công nghiệp của Đức.

Về phía Ukraine, với việc không gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt, nước này đang mất khoảng 800 triệu USD mỗi năm tiền phí từ Nga.

Nga ngừng cấp khí đốt cho Eu Ukraine 2.png
Một trạm bơm khí trên đường ống dẫn khí đốt ở thị trấn Boyarka ở thủ đô Kiev (Ukraine). Ảnh: AFP

Đối với Nga, việc ngừng cấp khí đốt cho châu Âu sẽ khiến Moscow đánh mất đi thị phần cung cấp khí đốt chủ chốt cho các nước trong EU vào tay các đối thủ khác như Mỹ, Qatar và Na Uy.

Ngoài ra, việc Nga ngừng cấp khí đốt cho EU sẽ dẫn đến thất thu cho các công ty khí đốt. Từng là nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, Tập đoàn Gazprom đã ghi nhận khoản lỗ 7 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2023. Đây là khoản lỗ hàng năm đầu tiên của tập đoàn này kể từ năm 1999.

Tranh cãi gay gắt

Việc Nga ngừng cấp khí đốt qua đường ống Sudzha do Kiev không gia hạn hợp đồng trung chuyển đã gây ra nhiều phản ứng ở các quốc gia vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung của Nga.

Hôm 27-12-2024, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết Slovakia sẽ xem xét các biện pháp đáp trả Ukraine như ngừng cung cấp điện dự phòng nếu Kiev dừng vận chuyển khí đốt từ ngày 1-1.

Đáp lại, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã cáo buộc ông Fico mở "mặt trận năng lượng thứ hai" chống lại Ukraine theo lệnh của Nga. Phía Slovakia đã phủ nhận cáo buộc này.

Hôm 30-12-2024, Thủ tướng Moldova Dorin Recean cũng đã phải ra lệnh cho chính phủ của mình bắt đầu chuẩn bị cho khả năng quốc hữu hóa công ty khí đốt Moldovagaz do Tập đoàn Gazprom sở hữu 50%.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Moldova có thể sẽ phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng trầm trọng khi nhà máy điện Kuciurgan - nhà máy điện lớn nhất nước này ở khu vực Transnistria sẽ không còn nhận được khí đốt từ Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm