Chuyên gia bình luận về câu nói 'bánh mì không phải là thực phẩm'

Nhiều người dân đang bàn tán, bức xúc trước việc một nam thanh niên bị tổ kiểm tra liên ngành phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa thu giữ giấy tờ, phương tiện vì đi mua bánh mì. Phó chủ tịch UBND phường này còn cho rằng "bánh mì không phải lương thực, thực phẩm thiết yếu". Sự việc nhanh chóng nhận được nhiều luồng ý kiến khi cho rằng các cán bộ quá cứng nhắc trong vấn đề nhận định bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) khẳng định bánh mì là một loại lương thực thực phẩm.

"Gạo, khoai, lúa mì... là sản phẩm thô; còn bánh mì là sản phẩm tinh, hàng giá trị gia tăng hay nói cách khác đó là "chất xám" của sự sáng tạo trong quá trình tạo ra lương thực thực phẩm. Do đó nếu nói bánh mì không phải là lương thực thực phẩm thì không chính xác", ông Dũng nhấn mạnh.

Bánh mì là lương thực thực phẩm. Ảnh: Thu Hà

Ông Dũng bình luận, hiện nay giữa lí thuyết thế nào là lương thực, thực phẩm và các sản phẩm thực tế đang có khoảng cách quá xa.

"Nếu như căn cứ vào các quy định thế nào là lương thực, thực phẩm để dẫn giãi ra từng loại thực phẩm thiết yếu, thì giữa lí thuyết và thực tiễn đang ở rất xa nhau.

Thực tế mỗi một ngày, các doanh nghiệp sản xuất về lương thực, thực phẩm đều có những ý tưởng sáng tạo ra hàng trăm loại thực phẩm mới từ một nguyên liệu quen thuộc như bột mì, khoai, lúa, hay cá, thịt...

Do đó nếu cứ cập nhật hết từng sản phẩm như bánh mì, gạo, bún... hay các loại thực phẩm khác trong cuộc sống vào các thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn thì theo tôi không thể nào đủ hết được"- ông Dũng bày tỏ.

Cũng theo ông Dũng, các cơ quan quản lí nhà nước càng liệt kê chi tiết các sản phẩm thì càng thiếu, vì thế cần có một khái niệm mang tính định hướng, khái quát rộng mở. Còn càng đi sâu, càng cật nhật từng loại thì càng thiếu.

"Đơn cử, chỉ tính riêng bột mì có thể sáng tạo ra hàng trăm thứ bánh; hạt gạo cũng có thể làm ra hàng trăm loại sợi như bún, phở, hủ tiếu..., thậm chí là rượu chứ không đơn giản chỉ là cơm.

Do đó không nên cụ thể hóa cái nào thì được gọi là lương thực, thực phẩm thiết yếu. Vì thực tế các quy định, thông tư... không thể nào chạy theo từng cái chi tiết, cụ thể được. Đừng bó hẹp các sản phẩm trong một tờ giấy, bởi nó sẽ khiến chúng ta trở nên rập khuôn và cứng nhắc"-vị phó chủ tịch FFA nói.

 

Chiều 19-7, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể hàng hóa thiết yếu bao gồm:

Hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng).

Hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân, nước uống, nước ngọt đóng chai, thùng, lon…

Lương thực: Gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ tinh bột).

Ngoài ra còn có thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm giặt, gội, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh. Bên cạnh đó còn có các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông như xăng dầu, gas, khí đốt và các nguyên, nhiên liệu khác phục vụ sản xuất, đời sống như dịch vụ cung cấp điện, nước...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm