Chuyên gia hiến kế sớm vực dậy thị trường bất động sản

(PLO)- Các doanh nghiệp bất động sản mong muốn các vướng mắc về thủ tục pháp lý dự án nhanh chóng được tháo gỡ, đồng thời giảm lãi suất cho người mua nhà để thị trường sớm được khơi thông. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều ý kiến đưa giải pháp tín dụng, tháo gỡ thủ tục pháp lý cho địa ốc được nêu ra tại Hội thảo “Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 27-4.

Mở room tín dụng cho thị trường sơ cấp

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng bất động sản (BĐS) liên quan đến nhiều ngành. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đều thấy dòng tiền bị âm vì không bán được hàng, đầu tư không thu hồi được, huy động vốn không có... Do đó, không thể để lĩnh vực này “chết” vì sẽ hệ lụy cho cả ngân hàng, nhà đầu tư. Theo ông, cần mở room tín dụng cho các dự án và nhà đầu tư sơ cấp (mua bán lần đầu). BĐS đóng góp 12% GDP thì có thể mở room tín dụng cho BĐS thấp hơn con số này.

Kế tiếp, TS Điền kiến nghị phải xem xét đánh thuế đầu cơ BĐS. Đồng thời, tập trung tập trung gỡ vướng pháp lý, Chính phủ có thể tạm thời ban hành văn bản gỡ vướng cho một số dự án trong khi về lâu dài chờ sửa các luật liên quan.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho rằng không thể để lĩnh vực này “chết” vì sẽ hệ lụy cho cả ngân hàng, nhà đầu tư. Ảnh: QUANG HUY

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho rằng không thể để lĩnh vực này “chết” vì sẽ hệ lụy cho cả ngân hàng, nhà đầu tư. Ảnh: QUANG HUY

Bên cạnh đó, TS Điền cũng đưa ra kiến nghị liên quan đến nhiều dự án có nguồn gốc từ đất công. Theo TS Điền, Chính phủ cần xem xét giao đất cho doanh nghiệp để họ có thể tạo vốn cho sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thuế cho nhà nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nguồn thu đó sẽ cao hơn nhiều so với tiền thuế sử dụng đất.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho biết tại TP.HCM, BĐS là ngành đứng thứ 4 trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực, có tác động rất lớn. Tăng trưởng kinh tế quý 1 của TP.HCM chỉ đạt 0,7%. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp xây dựng ghi nhận phần công nghiệp giảm nhẹ khoảng 0,8% nhưng ngành xây dựng âm gần 20%, kéo cả vùng này xuống. Nguyên nhân do thị trường BĐS tăng trưởng âm hơn 16%.

Tuy nhiên, theo TS Lịch, không đặt vấn đề giải cứu thị trường BĐS mà phải đặt trong bài toán giải quyết đồng bộ cùng thị trường tài chính. Đề nghị các doanh nghiệp BĐS lớn phải tự tái cơ cấu trước để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: QUANG HUY
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: QUANG HUY

“Chưa bao giờ Chính phủ và các địa phương thể hiện nỗ lực phục hồi và củng cố thị trường BĐS như hiện nay. Nghị định 10 sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, ngân hàng cũng đang cố gắng kéo giảm lãi suất. Đây là những tín hiệu tích cực.

Về vốn, trái phiếu, tín dụng, các giải pháp hiện nay đang theo hướng gỡ. Tuy nhiên, phải có quan điểm không thể sửa luật kiểu như hiện nay mà phải sửa toàn bộ hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường BĐS từ khi bắt đầu dự án cho tới triển khai. Luật tài chính, tín dụng, trái phiếu, luật BĐS, luật kinh doanh nhà ở... đang chồng chéo, phải đặt trên tổng thể sửa trên hệ thống” - TS Lịch đề xuất.

DN chấp nhận giảm giá để hút khách

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết hiện nay doanh nghiệp sẵn sàng bán không lợi nhuận các dự án, thậm chí chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua. Mong muốn lớn nhất là khách hàng đồng ý xuống tiền, thu hút người tiêu dùng quay trở lại, gây dựng niềm tin cho thị trường.

“Đối với những trái chủ, những người đầu tư trái phiếu của Hưng Thịnh, công ty đã có những buổi đối thoại trực tiếp và nhận được phản hồi thông cảm, an tâm và tiếp tục đồng hành của các trái chủ bởi chúng tôi có tài sản để đảm bảo"- ông Dũng nói.

Nhiều ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng cần có chính sách giảm lãi suất ngân hàng để người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng mua nhà với mức lãi suất ổn định như những năm trước từ 9 - 10%. Ảnh: QUANG HUY

Nhiều ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng cần có chính sách giảm lãi suất ngân hàng để người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng mua nhà với mức lãi suất ổn định như những năm trước từ 9 - 10%. Ảnh: QUANG HUY

Nhiều doanh nghiệp BĐS cũng cho biết nhờ các chính sách hỗ trợ tài chính thời gian vừa qua nên từ giữa tháng 4 đến nay, bắt đầu có khách hàng quay lại tìm hiểu nhưng tỷ lệ xuống tiền hiện vẫn đang rất thấp vì tâm lý chờ chính sách hỗ trợ thiết thực hơn.

Bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Thăng Long đề xuất Chính phủ sớm vào cuộc, có phương án thúc đẩy các cán bộ cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác phê duyệt thủ tục.

Song song, cần có chính sách giảm lãi suất ngân hàng để người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng mua nhà với mức lãi suất ổn định như những năm trước từ 9 - 10%. Khi khách mua nhiều hơn thì doanh nghiệp cũng khơi thông được dòng tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm