Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai nhằm kéo giảm giá nhà, ngăn đầu cơ. Trước đó, Bộ Tài chính cũng xem xét nghiên cứu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đánh thuế tài sản đối với người có nhiều nhà đất ở thời điểm này sẽ tạo thêm áp lực cho giá bất động sản.
Nhà bỏ hoang, không sử dụng mới đánh thuế tài sản
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, cho biết Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đều đồng tình nghiên cứu đánh thuế người có nhiều nhà đất, người có căn nhà thứ hai trở đi với mục tiêu chống đầu cơ. Nhìn góc độ rộng hơn, việc đánh thuế bất động sản nhằm mục tiêu hạn chế đầu cơ là rất tốt.
Lý do là hiện nay, nhiều người chăm chăm thu gom nhà đất, làm cò, đẩy giá, tạo sốt đất, bán ra ăn chênh lệch. Thậm chí, một số doanh nghiệp làm ăn có chút lợi nhuận thì không tái đầu tư, không phát triển doanh nghiệp mà lại dùng tiền đó mua đất, để không, chờ cơ hội giá đất tăng thì bán ra kiếm lời.
Từ đó dẫn đến nhiều nguồn lực không tập trung vào sản xuất kinh doanh mà chỉ bỏ tiền đầu tư mua bất động sản, chờ tăng giá bán. Do vậy, đề xuất đánh thuế người nhiều nhà đất là chủ trương đúng để tiết chế thực trạng đầu cơ.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, mục đích của thuế tài sản là điều tiết hành vi đầu cơ. Định hướng phương pháp đúng nhưng đánh thuế căn nhà thứ hai, thứ ba là không hợp lý mà cần đánh thuế tài sản đối với người nhiều nhà, nhiều tài sản mà sử dụng vào mục đích đầu cơ, lướt sóng.
Lưu ý, ở đây là người có nhà cho thuê họ đã đóng thuế đầy đủ thì không nên đánh thuế tài sản đối với những trường hợp này. Vì đánh thuế tài sản với trường hợp này là thuế chồng thuế.
TS Huỳnh Thanh Điền
Như vậy, theo TS Điền, đối với những trường hợp người sở hữu nhiều nhà đất nhưng găm giữ đầu cơ chứ không đưa vào sử dụng, không khai thác tạo ra giá trị, đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước thì cần phải xem xét đánh thuế tài sản.
Nếu nhà đó người dân ở thì không đóng thuế, cho thuê thì không đánh thuế tài sản nữa. Còn nhà để trống không sử dụng thì phải nộp thuế tài sản hàng năm.
Tương tự, nếu đất bỏ hoang thì chủ đất phải nộp thuế tài sản hàng năm, còn nếu đất được khai thác kinh doanh đúng mục đích thì nhiều đất cũng không phải đóng thuế tài sản.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng cần xác định mục đích thuế tài sản đánh vào những tài sản không sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả đó hoặc là giảm thiểu đầu tư không đúng đắn, kiểu đầu cơ trục lợi.
"Và đánh thuế tài sản không thể hạ giá bất động sản được. Bởi lẽ, giờ đang là thời điểm giá bất động sản đã tăng cao, nguồn cung lại ít so với nhu cầu. Nếu nguồn cung ít lại đánh thuế tài sản nữa thì người có nhiều bất động sản khi bán ra họ sẽ tính vào giá bán. Cuối cùng người mua nhà phải gánh" - ông Thịnh đánh giá.
Xem xét đánh thuế theo định mức diện tích nhà đất
Góp ý cụ thể hơn về cách thức áp thuế tài sản, TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế cho biết mục tiêu đánh thuế tài sản nhắm vào người nhiều bất động sản là người giàu. Do đó, cần xem xét cách triển khai, đánh thuế đúng, trúng đối tượng muốn nhắm đến, không cào bằng. Cơ quan quản lý cần xem xét một số trường hợp không đánh thuế tài sản này.
"Lấy ví dụ, như gia đình ông A có 4 đứa con, ông lo xa nên dành dụm mua 4 cái nhà để sau này chia cho con. Dù chưa sang tên cho các con nhưng mục đích ông An mua những căn nhà để chia thừa kế cho con cái. Như vậy, khi đưa ra áp thuế tài sản thì cần xem xét từng trường hợp, mục đích chủ sở hữu các tài sản đó, nếu nhà đất thừa kế, hoặc mua để cho con cái ở thì không nên đánh thuế tài sản" - ông Điền chia sẻ.
Đối với người có động cơ mua nhiều nhà đất để đầu cơ thì mới đánh thuế tài sản. TS Điền cho rằng phải có hạn mức cụ thể để đánh thuế tài sản chứ không phải dựa trên căn nhà thứ nhất, thứ hai hay thứ ba. Ví dụ gia đình đó có mấy thành viên thì cứ mỗi nhân khẩu có hạn mức nhà đất được miễn thuế tài sản, vượt hạn mức đó mới đánh thuế.
Ông Đinh Trọng Thịnh cũng đề xuất đưa định mức bất động sản theo diện tích để đánh thuế tài sản
Ông Thịnh lấy ví dụ, nếu đánh thuế người có nhà thứ hai thì một người có nhà đất biệt thự rộng cả ngàn mét vuông, hay sở hữu cả một cao ốc văn phòng cho thuê nhưng đó là nhà thứ nhất thì họ không phải đóng thuế tài sản. Trong khi người khác họ có nhiều nhà nhưng nhà nhỏ, nhiều người ở chung.
Do đó, ông Thịnh đề xuất nghiên cứu đánh thuế tài sản theo định mức diện tích nhà đất trên đầu người sẽ hợp lý hơn, đúng định hướng của Nghị quyết 18/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là đánh thuế tài sản người sử dụng nhiều diện tích nhà đất.
Theo ông Thịnh, thuế tài sản cần xây dựng định mức một người dân sẽ được ở bao nhiêu diện tích sàn xây dựng. Vượt định mức thì phải đóng thuế cao. Khi đó, người đứng tên thay nhà đất cho người khác nếu nhà to, đất rộng, vượt định mức đều phải nộp thuế.
Đơn giản thủ tục, tăng nguồn cung mới giảm được giá nhà
Thị trường bất động sản hiện nay vừa thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở, vừa “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp, rất thiếu nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Do đó, cần có chính sách điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhà ở và kéo giảm giá nhà trên thị trường bất động sản.
Đơn giản quy trình thủ tục pháp lý đầu tư, xây dựng dự án, rút ngắn thời gian, giảm chi phí không tên, tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường, nhất là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng suất lao động thông qua ứng dụng công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, kiểm soát tốt chi phí quản lý để làm giảm giá thành nhà ở.
Để điều tiết thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, bao gồm việc giá đất tuân theo quy luật thị trường, việc khơi thông pháp lý, tạo thêm nguồn cung cho thị trường quan trọng hơn trước khi dùng những công cụ từ chính sách như đánh thuế bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)