Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Việt An Hòa, cho biết sáu tháng cuối năm các bất động sản (BĐS) có giá trị cao ở những tỉnh xa, giá trị trên 20 tỉ đồng giao dịch rất khó khăn, trong khi các BĐS dưới 10 tỉ đồng sẽ phải giảm giá thì mới thanh khoản được.
Dự báo kịch bản thị trường chi tiết, ông Quang cho biết trong tháng 7 sẽ hé mở room tín dụng, giá căn hộ sơ cấp sẽ bình ổn, đất nền một số TP du lịch ven biển sẽ nhích nhẹ. Đáng chú ý, chủ đất lớn sẽ xả hàng với mức chiết khấu 2%-3%.
Khách hàng vẫn rất quan tâm đến sản phẩm đất nền miền Trung. Ảnh: M.LONG |
Tháng 8 có thể lãi vay sẽ tăng 1%-1,5%, hàng BĐS thứ cấp giảm 2%-3%, hàng sơ cấp sẽ gặp lúng túng. Trong tháng 9, các ngân hàng có thể xả hàng nợ xấu BĐS và nhà đầu tư sẽ tranh thủ đợt cuối bán nhanh thu tiền mặt.
Theo ông Quang, thời điểm tháng 10 tới, BĐS vùng xa trung tâm khoảng 200 km sẽ gặp khó về thanh khoản, chủ đầu tư đua nhau khuyến mãi và mùa “săn” đất giá tốt bắt đầu với những nhà đầu tư có sẵn tài chính.
Tháng 11, mặt bằng cho thuê nhộn nhịp trở lại, mua BĐS có thể chiết khấu mạnh, khách hàng sẽ là thượng đế. Tháng 12, tiền mặt là vua, nhà đầu tư BĐS nào có sẵn tài chính, tiền nhàn rỗi thì có nhiều cơ hội để đầu tư, chọn lựa.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng thị trường sẽ giảm mạnh ở những khu vực chưa thể khai thác kinh doanh hay các BĐS giá trị lớn. Đặc biệt, theo TS Hiển, BĐS phân lô vùng xa khu vực nông nghiệp luôn đầy rủi ro, chuyên gia cho rằng khu vực này sẽ có thanh khoản giảm mạnh với việc xuất hiện cắt lỗ 10%-30%. Khi phong trào farmstay, homestay thoái trào... nhà đầu tư “ngộp” do vay ngân hàng buộc phải rao bán đất.
“Thị trường hiện nay đang đứng hình. Tức là thanh khoản giảm rất mạnh, người mua sẽ không dám mua còn người bán đang do dự, không muốn giảm giá nhiều. Thị trường đóng băng nhiều khi còn nguy hiểm hơn bong bóng bởi khi đó những người ôm đất không bán được, không ít người rơi vào cảnh tay trắng” - ông Hiển nói.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, trong quý II-2022 lượt tìm kiếm đất nền giảm khoảng 13% so với đỉnh quý II năm ngoái, dự báo thị trường đất nền tiếp tục chững hoặc giảm nhẹ để tìm điểm cân bằng sau giai đoạn sốt giá.
Điểm đáng chú ý là đất nền có sự phân hóa rõ về khu vực. Trong khi miền Bắc, miền Nam giảm dần sức nóng thì đất nền tại miền Trung vẫn tiếp tục được quan tâm tìm kiếm. Nhiều tỉnh, thành như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Nam... đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng từ 25% đến 57% so với trước dịch. Điểm chung của các thị trường này đều là các tỉnh ven biển, những nơi phát triển mạnh BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, loại hình đang dần phục hồi sau dịch.