Tính đến sáng 9-12, hơn 100 cô gái bị giam lỏng ở các cơ sở massage Tân Hoàng Phát đã được giúp đỡ trở về quê nhà. Ít ai biết được đằng sau cuộc đoàn tụ là những câu chuyện đầy nước mắt.
Thoát khỏi “địa ngục” và cứu người
Khi gần trăm cô gái được giải thoát và đưa về PC14 lấy lời khai vào sáng 7-12, có một cô gái tên N. nằng nặc xin vào gặp mặt họ. Trên tay N. cầm theo nước uống, đồ ăn, quần áo .Thấy N. vào, nhiều cô ôm chầm lấy và cùng khóc nức nở. T. (quê ở Vĩnh Long) nói: “Chị tinh thần của bọn em đấy”.
Trong hai ngày các nhân viên massage lưu lại PC14 thì N. cũng ở lại chờ, thăm hỏi, động viên từng người mạnh dạn tố cáo tội ác của vợ chồng Sỹ-Yến.
Chúng tôi tìm gặp N. và nghe cô kể lại khoảng tối đời mình trong thời gian làm tiếp viên ở Tân Hoàng Phát. Giữa năm 2004, N. được một người quen dẫn dắt vào đây. Cũng như bao cô gái khác, N. bị giam lỏng, bóc lột tàn tệ. Cùng cảnh ngộ và nỗi khổ, N. kêu gọi chị em tìm cách thoát khỏi “địa ngục” này. N. kể, giữa năm 2007, một đồng nghiệp tên H., người ở Đồng Tháp liên lạc được người nhà. Sau đó, H. giả bệnh để người nhà cứu thoát cô khi tốp bảo vệ đưa cô đi khám bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như H. Nhiều tiếp viên nhảy lầu bỏ trốn bị té gãy cột sống. Trường hợp Tuyền và Ngọc bị gãy chân và bị bắt lại đánh đập dã man.
Riêng N. tình cờ gặp được khách quen đem lòng yêu cô. Đầu năm nay, người này gom góp được 25 triệu đồng để chuộc N. ra. Hiện tại hai người đang sống hạnh phúc. Dù gặp may mắn, N. không thể bỏ quên chị em, cô đã đến cơ quan công an tố cáo, đồng thời cung cấp thông tin cho các báo vào cuộc.
Cầm nhà để chuộc con
Khi nghe tin cơ sở massage Tân Hoàng Phát bị triệt phá, ba mẹ con bà Nguyễn Thị L. (ngụ Tân Châu, Tây Ninh) đã đến PC14 để tố cáo thêm tội lỗi của Sỹ, Yến, Hậu và đồng bọn.
Hai người con bà L. là Trần Lệ Th. (19 tuổi), Trần Lệ H. (17 tuổi) được đưa ra cơ sở Hoàng Thành tại ngã ba Vũng Tàu làm việc được hai tháng. Th. và H. bị buộc phải phục vụ gần chục lượt khách một ngày, phải kích dục cho khách và để khách đụng chạm khắp cơ thể. Mỗi ngày hai cô phục vụ khách liên tục từ 9 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau. Hai chị em gọi điện thoại về nhà cầu cứu. Ban đầu, quản lý cơ sở Hoàng Thành đòi tiền chuộc 48 triệu đồng nhưng sau đó Hậu nâng giá lên 100 triệu đồng. Bất chấp bà L. lạy lục, năn nỉ hết lời, Hậu cũng không giảm giá và hẹn ba ngày sau phải nộp đủ. Bà L. trở về quê nói với các con “Ráng chạy tiền cho má, nếu không cứu được hai đứa nhỏ, chắc má chết trước tụi nó”. Gia đình bà L. vay nóng, đem giấy tờ nhà thế chấp để chuộc con. Hậu còn “dằn mặt” Th. và H.: “Hai đứa phải về quê, không được lai vãng ở thành phố một ngày nào”.
Tháng 9, hai chị em Cẩm Nh. (27 tuổi), Cẩm H. (17 tuổi) quê Sóc Trăng bị Sáu Lệ dụ dỗ dẫn lên gặp Phan Việt Hậu. Sau đó, cả hai phải ký giấy nợ 24 triệu đồng mới được dạy nghề. Nhiều hôm khách đông phải phục vụ đến rã rượi thể xác lẫn tinh thần. Chịu không nổi, Cẩm H. cùng ba nhân viên khác bàn nhau tìm cách leo qua sân thượng hàng xóm để trốn thoát. H. trốn được về Sóc Trăng để báo tin gia đình vay mượn tiền chuộc chị.
Nhiều cô kể rằng vào buổi sáng, nhóm bảo vệ Tân Hoàng Phát lùa các cô ra công viên gần đó tập thể dục. Đó là những phút hiếm hoi các cô được “xổ lồng” tiếp xúc người ngoài. Hễ gặp được người dân nào ở phường Linh Chiểu các cô liền bày tỏ hoàn cảnh bị giam cầm, bóc lột. Không biết những thông tin này được chuyển đến chính quyền địa phương ra sao mà không thấy một động thái tích cực nào để cứu giúp những cô gái thoát khỏi sự bóc lột dã man.
Khẩu súng và giấp phép cấp cho doanh nghiệp Thái Thanh. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, hai cơ sở massage của vợ chồng Yến-Sỹ từng bị đoàn kiểm tra liên ngành 814 của TP.HCM kiểm tra bốn lần và phát hiện nhiều sai phạm. Tuy nhiên, những lần kiểm tra, chính quyền địa phương không tích cực hợp tác. Thậm chí vào ngày 9-8-2007, đoàn kiểm tra còn bị chống đối, cản trở và đe dọa.Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống tệ nạn TP.HCM vào ngày 8-1-2008, cơ sở Tân Hoàng Phát bất hợp tác với đoàn kiểm tra. Thành viên trong đoàn liên hệ với Công an phường Linh Chiểu, Công an quận Thủ Đức nhờ hỗ trợ nhưng không được đáp ứng. Tối 6-12, trong quá trình khám xét, kiểm tra, PC14 không nhận được sự hỗ trợ từ Công an quận Thủ Đức. Trung tá Trần Hữu Hiệp, Đội phó Đội 5 (PC14), cho biết đến khi khám xét nơi ở của Trí (Sỹ) thì người nhà lên tiếng chửi bới, vu khống công an đánh người. Riêng cha của Trí do say rượu nên bị té chảy máu trong lúc ngăn cản cảnh sát làm nhiệm vụ. Lập tức, đại úy Tuấn (cảnh sát khu vực) có mặt tại hiện trường và lập biên bản “đánh người”, yêu cầu trung tá Hiệp ký vào biên bản. |
Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 9-12 có nêu chi tiết khẩu súng Trí (Sỹ) và Hậu sử dụng là do bà Nguyễn Thị Kim Thanh, chủ doanh nghiệp massage Thái Thanh (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) bán lại. Sau đó, bà Thanh có gọi điện thoại đến tòa soạn phản ánh “Đó là súng giả, bắn đạn nhựa, chủ yếu dùng để hù dọa. Súng này bà Thanh cho Sỹ mượn chớ không bán”. Theo đại tá Võ Văn Sáng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai thì hai khẩu súng trên thuộc công cụ hỗ trợ (súng bắn hơi ngạt, hiệu RG 88 do Đức sản xuất). Hiện các đơn vị nghiệp vụ đang khẩn trương làm rõ việc cấp phép sử dụng công cụ hỗ trợ sai đối tượng. Xác minh ban đầu, giấy phép sử dụng súng do Phòng Quản lý hành chính trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai cấp cho Công an thị xã Long Khánh (ngày 5-12-2007) nhưng địa chỉ lại ghi “DNTN Thái Thanh”. Hiện cán bộ quản lý hồ sơ cấp súng cho doanh nghiệp Thái Thanh đang bị đình chỉ công tác để làm rõ. |
ÁI NHÂN - HOÀNG TUYẾT - NG.DŨNG