Chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm qua chia sẻ của Đại sứ Olivier Brochet

(PLO)- Đại sứ Olivier Brochet tại Hà Nội có những chia sẻ về cuộc đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng như cơ sở để hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 11-10, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã có cuộc gặp gỡ với phóng viên một số cơ quan báo chí có quan tâm tới chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm, tới Pháp, vừa kết thúc 4 ngày trước.

"Hết sức thành công", Olivier Brochet liên tục nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện khi đánh giá về chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Pháp và dự Hội nghị Thượng đỉnh của các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp.

viet-nam-phap-co-tiem-nang-hop-tac-manh-me-tren-hang-loat-cac-linh-vuc.jpg
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet - Ảnh: NGỌC DIỆP

Từ lịch sử đến hiện tại

Đại sứ cho hay: Chuyến thăm được sắp xếp nhân một sự kiện lớn của cộng đồng Pháp ngữ - Hội nghị Thượng đỉnh của các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp. Trong cộng đồng đông đảo ấy, Tổng thống Pháp chỉ có duy nhất một hoạt động song phương cấp Nhà nước với khách mời Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Tổng thống Emmanuel Macron đã chủ trì lễ đón chính thức và tiệc chiêu đãi.

Ý nghĩa của sự kiện không chỉ nằm ở thủ tục lễ tân, mà còn từ tính chất lịch sử. Sau 22 năm, một nguyên thủ của Việt Nam mới trở lại thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

“Chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến thăm thành phố Montreuil, nơi có tượng và khu tưởng niệm dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi đoàn Việt Nam đến thăm thành phố Sainte-Adresse để khánh thành khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trăm năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống ở đây. Nhấn mạnh yếu tố lịch sử như vậy để thấy đặc thù trong mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam”- Đại sứ Olivier Brochet nói.

1210B.jpg
Tổng Bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh cùng các đại biểu tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: VOV

Trong các cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với lãnh đạo cấp cao của Pháp ở Paris cũng như với ông Edouard Philippe, nguyên Thủ tướng Pháp, hiện là thị trưởng thành phố Le Harve, phía Pháp nhận thấy rõ sự tin cậy lẫn nhau giữa hai quốc gia. Mong muốn hợp tác hướng đến tương lai như là một hệ quả rất tự nhiên.

Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp được thiết lập từ năm 1973. 40 năm sau, năm 2013, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược. Và nay, sau hơn 10 năm, quan hệ ấy đã phát triển sâu sắc hơn, để rồi hai nước đều nhìn thấy tiềm năng rất mạnh mẽ trong tương lai. Với tầm nhìn ấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp đã vui mừng cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Như vậy, Pháp trở thành nước thứ 4 trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, và là quốc gia thứ 8 trên thế giới mà Việt Nam thiết lập quan hệ ở mức cao nhất. Bảy nước trước đó gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Úc.

Giá trị toàn cầu mà Việt - Pháp cùng chia sẻ

Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Pháp đang tham gia rất tích cực vào các chính sách toàn cầu để góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định trên thế giới. Và Pháp nhìn thấy những giá trị chung trong quan điểm của đối tác Việt Nam.

Trong cuộc tiếp xúc với khách quý Việt Nam, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay từ đầu đã bày tỏ sự tán thành với những ý kiến mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa mới phát biểu tại Đại hội đồng LHQ.

Chủ đề của phiên thảo luận chung cấp cao ấy là “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Hành động đoàn kết để thúc đẩy hoà bình, phát triển bền vững, phẩm giá con người vì các thế hệ hôm nay và tương lai”.

Và nay tại Paris, trong cuộc hội đàm cấp cao hai nước, ngoài các nội dung quan hệ song phương, cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chia sẻ chia sẻ rất nhiều những quan điểm tương đồng về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện chính là một tuyên bố cho việc chia sẻ nhiều hơn những giá trị đó.

Những cột mốc lịch sử

• Tháng 4-1973: Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao.

• Tháng 2-1993: Tổng thống Pháp Francois Mitterrand là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước phương Tây sang thăm Việt Nam sau năm 1975.

• Tháng 9-2013: Việt Nam và Pháp ký kết tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

• Tháng 10-2024: Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Việt Nam cũng có vị thế và tiếng nói ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, đồng thời có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với các nước trên thế giới. Là quốc gia có vai trò quan trọng tại Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Bảo an LHQ và một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam, Pháp sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.

"Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đóng vai trò quan trọng tại ASEAN, không chỉ bởi diện tích, dân số, sự năng động của nền kinh tế, mà còn vì Việt Nam là một trong những quốc gia hiểu rõ nhất về giá trị của hòa bình và về sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới", Đại sứ Olivier Brochet chia sẻ.

Từ truyền thống tới hiện đại

Với chiều dài lịch sử quan hệ hai nước, cho đến nay, sâu sắc nhất, bền vững nhất là hợp tác văn hóa, giáo dục. Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Olivier Brochet nhấn mạnh, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của hai nước đang có mối quan hệ tốt đẹp. Một thí dụ điển hình Đại học Việt - Pháp nằm trong Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Thành lập năm 2009, là kết quả của Hiệp định liên Chính phủ giữa hai nước Việt Nam và Pháp, cơ sở đào tạo này đang định hướng trở thành trường đại học xuất sắc đẳng cấp quốc tế đào tạo về khoa học và công nghệ.

Lĩnh vực y tế cũng có thể coi là điểm sáng hợp tác trong quan hệ hai nước trong 30 năm qua thông qua nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu, đầu tư, và sẽ tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.

Hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, nông nghiệp… cũng là truyền thống quan hệ của hai nước. Và hiện nay, khi cùng chia sẻ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Pháp sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn này.

1210C.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: TTXVN)

Tiềm năng kinh tế từ cộng đồng Pháp ngữ

Với cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam, Lào, Campuchia trở thành nhân tố quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng có nhiều gắn bó với Pháp tại khu vực châu Á.

Và việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trực tiếp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 chính là thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong đẩy mạnh quan hệ với cộng đồng rộng lớn này.

Đại sứ tin rằng cộng đồng Pháp ngữ sẽ tiếp tục mang lại lợi ích to lớn, kể cả về mặt kinh tế. FPT, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam là một minh chứng. Hãng công nghệ này đang lên kế hoạch trong vòng ba năm đào tạo được 500 kỹ sư IT nói tiếng Pháp. Đây là công cụ quan trọng để FPT không chỉ hiện diện mạnh mẽ tại Pháp, mà còn tại thị trường non trẻ châu Phi.

1210D.jpg
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet - Ảnh: NGỌC DIỆP

Cũng như vậy, tại Đại học Việt - Pháp, phần lớn các sinh viên đang học tiếng Pháp, để rồi có thể tiếp tục học sau đại học tại Pháp. Còn ngành y, một điểm sáng trong hợp tác giáo dục hai nước thì tiếng Pháp đang rất mạnh.

Và lời khuyên của Đại sứ Olivier Brochet tới các gia đình đang định hướng con theo tiếng Pháp là nên cho con bắt đầu học từ bậc phổ thông, để khi lên tới bậc đại học, có thể đào tạo chuyên môn bằng bằng chính ngôn ngữ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm